(GLO)- Những năm gần đây, khí hậu biến đổi thất thường, thảm rừng phòng hộ đầu nguồn vùng biên giới của tỉnh Gia Lai bị thu hẹp khiến điều kiện sống ở đây càng khắc nghiệt. Tại khu vực biên giới tiếp giáp giữa huyện Đức Cơ và Chư Prông (Gia Lai), nguồn nước sạch sinh hoạt luôn là nỗi lo canh cánh. Trong điều kiện như thế, những người lính Biên phòng luôn phải nỗ lực vượt khó để bám trụ vững vàng trên vùng biên giới.
"Thao trường đổ mồ hôi"
Chỉ sau một trận mưa, quốc lộ 14C đoạn chạy qua khu vực đóng quân của Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã nhầy nhụa bùn và nước. Trong khuôn viên doanh trại của Tiểu đoàn, tình trạng lầy lội ngập úng thậm chí còn nghiêm trọng hơn do một số hạng mục công trình như tường rào, đường nội bộ, thao trường bãi tập chưa hoàn thiện. Đời sống, công tác của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vì vậy gặp rất nhiều khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) dọn dẹp cải tạo cảnh quan đơn vị. Ảnh: Thái Kim Nga |
Trung tá Nguyễn Hữu Quyết-Chính trị viên Tiểu đoàn-cho biết: “Đơn vị mới chuyển vào đây và đang trong quá trình xây dựng cơ bản nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là nước sinh hoạt do chưa khai thác được nguồn nước ngầm. Đơn vị đã khoan rất nhiều giếng nhưng đều không có nước. Mùa mưa, đơn vị chủ yếu lấy nước từ con suối nhỏ bên cạnh, nhưng phải qua lọc lắng nhiều lần mới có thể sử dụng. Thiếu nước sinh hoạt, việc tăng gia sản xuất cũng gặp nhiều bất lợi. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải nỗ lực rất nhiều mới hoàn thành được chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra”.
Khó khăn là vậy nhưng ngoài giờ học tập, huấn luyện, cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vẫn tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị. Mô hình vườn-ao-chuồng được duy trì mở rộng trên khu vực đóng quân của đơn vị trước đây, cũng như vị trí hiện nay đã tạo ra nguồn thu nhập chính, từng bước cải thiện đời sống cho bộ đội. Chỉ sau quãng thời gian ngắn di chuyển về nơi ở mới, Tiểu đoàn đã bảo đảm tự túc được 100% nguồn rau xanh và thực phẩm tươi sống tại chỗ, bổ sung thêm vào bữa ăn cho bộ đội 1.500 đồng/người/ngày. Đơn vị cũng đã tổ chức xây dựng, làm mới một số hạng mục doanh trại phục vụ sinh hoạt và huấn luyện chiến sĩ mới; trồng mới hơn 300 cây xanh, cây ăn quả trong khuôn viên doanh trại. Song song với đó, để khắc chế điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác quân y, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe đạt 98,6%.
Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận bởi ngoài những bất lợi về điều kiện thời tiết như đã nói ở trên, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động còn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Đây đều là những người vừa rời ghế nhà trường, vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Để “vượt nắng, thắng mưa”, hoàn thiện kỹ-chiến thuật quân sự, nghiệp vụ cho chiến sĩ mới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, luôn gần gũi động viên, uốn nắn kịp thời cả trong học tập, huấn luyện lẫn trong cuộc sống. Trung tá Nguyễn Hữu Quyết chia sẻ: “Trong môi trường hoàn toàn mới lạ, chiến sĩ mới cần được làm quen, cần có sự ân cần chỉ bảo để từng bước đưa mọi mặt sinh hoạt đi vào nền nếp. Ở một đơn vị huấn luyện, thao trường đổ mồ hôi nhưng luôn đầy ắp tiếng cười”.
"Trồng rừng" giữa... núi
Cũng nằm trong khu vực biên giới tiếp giáp giữa huyện Đức Cơ và Chư Prông, những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Ngoài những yếu tố “mưa ngập, nắng hạn”, thời điểm này, đơn vị đang trong quá trình xây dựng cơ bản với nhiều hạng mục công trình cùng lúc phải triển khai.
Trung tá Phạm Hữu Cường-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Pnôn-cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, chúng tôi tập trung công tác xây dựng đơn vị với ưu tiên hàng đầu là chỉnh trang khuôn viên doanh trại. Hàng ngàn cây xanh đã được trồng mới, tương ứng với hàng ngàn mét khối đất đá được đào, san lấp để tạo ra cảnh quan đơn vị xanh-sạch-đẹp như hôm nay”. Theo tính toán của Trung tá Cường, những người lính nơi đây đã bỏ ra hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng nơi ăn chốn ở, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ lại vừa cải thiện được môi sinh qua việc “trồng rừng” giữa... núi. Mặc dù một số hạng mục công trình về nhà ở chưa hoàn thiện nhưng hệ thống vườn hoa, cây cảnh, cây ăn quả trong khuôn viên doanh trại đã đơm hoa kết trái tạo nên mảng màu tươi mới, tràn đầy sức sống. Có thể nói, với sự chủ động “đi trước đón đầu” và quyết tâm vượt khó của người lính, sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, Đồn Biên phòng Ia Pnôn sẽ là một trong những đơn vị đứng tốp đầu trong xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp trên tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên.
Nỗ lực để vượt qua thử thách chông gai trên vùng đất “nắng lên là hạn, mưa xuống là ngập”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn còn có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng địa bàn. Quản lý xã biên giới Ia Pnôn, địa bàn được đánh giá là trọng điểm về tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là những vấn đề về tôn giáo, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, đoàn kết lương-giáo, đoàn kết quân dân. Bên cạnh duy trì hiệu quả mô hình tự quản trong đồng bào có đạo ở làng Chan tập hợp hàng trăm hộ gia đình theo đạo Tin lành tham gia; hỗ trợ, đỡ đầu các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững, đội công tác địa bàn và cán bộ tăng cường xã tập trung giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trung tá Nguyễn Hồng Châu-cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-chia sẻ: “Đến thời điểm này, xã Ia Pnôn mới đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã vẫn còn nhiều việc phải làm và rất cần sự chung tay góp sức của các ngành, đoàn thể, trong đó có Đồn Biên phòng. Trong thời gian qua, Đồn đã đồng hành với chính quyền địa phương tham gia vào tất cả các chương trình, đặc biệt là hỗ trợ bà con xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quyết tâm cùng với cả hệ thống chính trị cơ sở mỗi năm giảm trên 3% số hộ nghèo”.
Theo chân đội công tác địa bàn xuống làng Bua thăm gia đình ông Rơ Mah Kok (hộ được lựa chọn xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững) và 2 hộ chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đồn Biên phòng Ia Pnôn đỡ đầu, chúng tôi cảm nhận rất nhiều khó khăn, thử thách đang đón đợi người lính Biên phòng ở phía trước. Tuy nhiên, với cách làm “chậm mà chắc”, đặc biệt là quyết tâm vượt khó của người lính nơi vùng biên khắc nghiệt, chắc chắn cơ hội thoát nghèo sẽ mở ra với các chủ nhân vùng biên giới để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thái Kim Nga