Nhiều nạn nhân da cam đang hàng ngày vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống. Họ là tấm gương tiếp thêm nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ.
Ông Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1951, tham gia chiến đấu tại chiến dịch Đường 9-Nam Lào vào năm 1970. Sau ngày giải phóng, ông về lại quê nhà ở Hưng Nguyên, Nghệ An.
Vì mang trong mình di chứng của chất độc dioxin nên ông thường xuyên đau ốm. 2 trong số 5 người con của ông bị phơi nhiễm nặng, trong đó một người đã qua đời khi vừa mới sinh, một người mắc hội chức đầu to, mù, câm điếc và teo cơ toàn thân.
Cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, nên gia đình ông quyết tâm đi xây dựng kinh tế mới tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiện hàng ngày phải chăm sóc cho người con bị phơi nhiễm chất độc da camdioxin. |
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, lại mang trong mình nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần do di chứng chất độc da cam, nhưng ông đã nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 3 người con học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.
“Mình vượt qua trong mưa bom bão đạn rồi, đó là thử thách về tinh thần ý chí. Qua tinh thần ý chí vậy thì mình phải vượt qua cái nghèo, không gì bằng là vợ chồng đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn để đến được ngày hôm nay. So với trước thì đã vơi đi 80% rồi”, ông Thiện tâm sự.
Ông Nguyễn Lưu Đoàn (đội mũ cối) bên vườn tiêu xanh tốt |
Còn ông Nguyễn Lưu Đoàn tham gia chiến trường Tây Nam từ năm 1974. Sau khi xuất ngũ về quê hương Hải Dương rồi đưa vợ con vào lập nghiệp tại thôn 3 xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1993, vợ chồng ông sinh thêm người con thứ hai, nhưng khi vừa sinh ra, đứa trẻ đã có dấu hiệu đầu to, tay chân teo nhỏ, đến năm 3 tuổi thì bị bại liệt hoàn toàn.
Thời gian đầu, vợ chồng ông ôm con đi khắp nơi chữa bệnh, nhưng khi nhận được kết quả bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hai vợ chồng ông chỉ biết nhìn nhau rồi ôm con khóc.
Không chịu đầu hàng số phận, vợ chồng ông quyết tâm gây dựng kinh tế. Ban đầu ông mua lại mảnh đất nhỏ để trồng điều, cà phê. Để nâng cao hiệu quả canh tác, ông đã đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi những kiến thức về chăm sóc cây trồng.
Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi, mô hình canh tác của ông thường cho năng suất và thu nhập cao hơn so với những mô hình khác ở địa phương.
Cứ thế ông tích lũy tiền mở mang thêm diện tích và mô hình kinh tế. Hiện nhà ông có 5 sào ao và 2ha đất, trồng 700 trụ tiêu, 1.000 cây cà phê xen 30 cây vải và điều. Hàng năm mang về lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
“Khi vào khai hoang, các em còn nhỏ, tôi cố gắng phấn đấu, vươn lên để làm kinh tế phát triển trong gia đình. Đến nay nhà cửa, vườn ao chuồng đã cơ bản. Cuộc sống của gia đình, tôi thấy rất mãn nguyện”, ông Nguyễn Lưu Đoàn bộc bạch.
Ông Nguyễn Lưu đoàn chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cà phê, hồ tiêu. |
Không chỉ chịu khó làm ăn, ổn định cuộc sống, mà ông Thiện và ông Đoàn còn là những hội viên hoạt động tích cực trong phong trào của hội, cuộc đời và sự nỗ lực vươn lên của hai ông chính là tấm gương sáng để các hội viên tại địa phương noi theo.
Ông Trương Văn Phương, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Ea Đar, huyện Ea Kar cho biết: “Đó là hai gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng họ lại vươn lên nhìn thấy rõ rệt về kinh tế, rồi về đóng góp nghĩa vụ ở địa phương. Họ đi đầu trong công tác xây dựng các phong trào. Mô hình hai đồng chí đã được lan tỏa cho anh em, đồng chí học tập”.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 6.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Những năm qua, với các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã phần nào giúp gia đình nạn nhân da cam ổn định được tinh thần, vơi bớt khó khăn.
Nhiều nạn nhân da cam vẫn hàng ngày vượt qua nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống. Họ là những tấm gương sáng, không quản ngại khó khăn đi đến nhiều nơi để vận động tạo quỹ chăm sóc nạn nhân; và là cầu nối tiếp thêm nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.
“Đến nay trên địa bàn tỉnh đa số các đồng chí phát huy rất tốt phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ trong vấn đề lao động sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt trong gia đình cũng như trong đời sống xã hội. Những tấm gương đấy thực sự là những bài học quý giá để tuyên truyền vận động, giáo dục những nạn nhân tiếp tục học tập những tấm gương. Đến nay đa số đã tiếp thu và cuộc sống đạt chất lượng tốt”, ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Đắk Lắk nói.
Anh dũng trong chiến đấu, mạnh mẽ trong thời bình, dù di chứng chất độc da cam đã và đang giày xé nỗi đau về thể xác và tinh thần, nhưng ý chí, tinh thần của những “người lính Cụ Hồ” năm xưa vẫn vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Nam Trang (VOV.VN)