Xã hội

Vượt qua nỗi đau da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng của nó còn hiện hữu trong hàng trăm gia đình ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Thế nhưng, nhiều người trong số họ đã kiên tâm vượt qua nỗi đau để viết lên những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
Di chứng nặng nề
Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đến thăm nhà ông Lê Tấn Dũng ở thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê. Đây là một trong những gia đình chịu nhiều nỗi đau khi ông Dũng cùng vợ và 3 đứa con bị nhiễm thứ chất độc quái ác này. Trong đó, 1 người con của ông Dũng đã qua đời do di chứng quá nặng. Dù thường xuyên đau ốm nhưng vợ chồng ông vẫn phải gồng mình để chăm sóc các con. 
Ông Dũng ngậm ngùi kể: “Ngày trước, tôi tham gia phục vụ kháng chiến tại xã Hbông. Cuối năm 1961, Mỹ rải chất bột dọc 2 bên quốc lộ 25. Bột bay đến đâu thì cây cối chết khô đến đó. Chúng tôi cũng không biết đây là chất độc da cam, chỉ nghĩ là chất phát quang. Sau này, khi sinh con, thấy con không phát triển bình thường, cơ thể càng ngày càng yếu, nhiều bệnh thì mới biết đã nhiễm chất độc da cam/dioxin. Thương con vì mình mà chịu phận không may, vợ chồng tôi buồn lắm, khô nước mắt rồi!”.
2. Con bị nhiễm độc da cam nên mọi công việc đều do vợ chồng ông Lê Tấn Dũng làm thay
Hàng ngày, vợ chồng ông Lê Tấn Dũng thay nhau chăm sóc các con bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Thiên Di
Ở làng Kueng (xã Hbông), nỗi đau da cam vẫn còn ám ảnh trong gia đình bà Blinh khi 1 người con và 1 người cháu bị tàn tật do nhiễm chất độc. Bà Blinh cũng vậy. “Mình cũng không biết rõ thời gian bị nhiễm chất độc da cam. Chỉ nhớ là hồi đánh Mỹ, mình nhiều lần đi qua khu vực cây cối bị chết cháy khô do một loại chất bột màu đục đục. Bây giờ, mỗi lần nhìn con và cháu chịu đau đớn do di chứng của chất độc này, ruột gan mình lại quặn lên, thương lắm mà không biết phải làm sao”-bà Blinh buồn rầu nói.
Theo thống kê, huyện Chư Sê có 500 trường hợp là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 152 nạn nhân thế hệ thứ 2 và 174 nạn nhân thế hệ thứ 3. “Chư Sê là địa phương đứng thứ 2 trong tỉnh về số lượng người nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đa số gia đình nạn nhân đều có mức sống dưới trung bình. Tôi và 2 đứa con cũng là nạn nhân của loại chất độc ấy”-ông Thủy chia sẻ.
Vượt lên số phận
Dẫu cuộc sống không may mắn nhưng nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ở Chư Sê đã nỗ lực vượt lên số phận. Đồng hành cùng họ là các cấp chính quyền và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện. Đơn cử như gia đình ông Dũng hiện có 2 ha cà phê và hồ tiêu, bình quân thu nhập 50-100 triệu đồng/năm. Tương tự, gia đình bà Blinh cũng có thu nhập 50-70 triệu đồng/năm từ nương rẫy, chăn nuôi bò và dê.
Điển hình nhất phải kể đến ông Đào Văn Côi (thôn Phú Cường, xã Ia Pal). Sau một thời gian dài gắn bó với cây hồ tiêu nhưng không “bén duyên”, ông Côi quyết định trở về quê nhà Hưng Yên mang theo 50 cây giống nhãn lồng vào trồng thử nghiệm. Thấy hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này mang lại, ông mở rộng diện tích lên 4 ha. Tuy nhiên, thời tiết Tây Nguyên thay đổi thất thường, vườn nhãn có năm mất mùa, mất giá. Điều này khiến ông luôn trăn trở và tìm giải pháp khắc phục. Sau nhiều lần được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cử đi dự các hội thảo về kỹ thuật trồng cây ăn quả, cùng sự hỗ trợ của cán bộ, hội viên, ông Côi quyết định áp dụng phương pháp trồng nhãn trái vụ cho vườn cây của mình. Đến nay, vườn nhãn của gia đình ông phát triển tốt. Bình quân mỗi năm, với sản lượng khoảng 6 tấn quả, gia đình ông thu về chừng 150 triệu đồng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê tặng quà gia đình có người nhiễm chất độc da cam (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê tặng quà gia đình có người nhiễm chất độc da cam (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Thiên Di
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, từ năm 2016 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã vận động tổ chức, cá nhân đóng góp được trên 7 tỷ đồng để trợ giúp nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết; xây nhà ở; tặng xe lăn; hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em bị khuyết tật nặng. “Một trong những hoạt động nổi bật của Hội là hỗ trợ các gia đình nạn nhân phát triển kinh tế. Cụ thể, Hội đã trích gần 500 triệu đồng để giúp mua bò sinh sản, phối hợp với cơ quan khuyến nông và thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ gia đình làm chuồng trại, đất trồng cỏ và công chăm sóc. Đến nay, 60 hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò đều bảo toàn được vốn vay; 10 gia đình có từ 8 đến 10 con bò sau 2-3 năm nuôi; 20 gia đình thoát nghèo với thu nhập 70-80 triệu đồng/năm”-ông Thủy cho biết.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm