Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

WEF ASEAN 2018: Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội cho giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 11/9, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

 
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu chụp ảnh selfie bằng điện thoại sau khi dự diễn đàn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu chụp ảnh selfie bằng điện thoại sau khi dự diễn đàn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)



Diễn đàn có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam, nằm trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra từ ngày 11-13/9.

Ngay sau phát biểu khai mạc của giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh, phiên thảo luận trực tiếp có sự tham gia của CEO MBIC - Yasmin Mahmood; Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ - Rajan Anandan; Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman; biên tập viên cao cấp kênh truyền hình Deutsche Amrita Cheema; giáo sư của Trường Đại học Quản lý Singapore Annie Koh; Giám đốc điều hành Tổng Công ty VNG Việt Nam Lê Hồng Minh.

Tại phiên thảo luận, giáo sư của Trường Đại học Quản lý Singapore Annie Koh cho rằng, hai năm trước, chúng ta nói nhiều về việc xây dựng bản sắc ASEAN và giờ đây bàn về số hóa và công nghệ trong ASEAN. Có thể nói, “số phận” của ASEAN nằm trong tay thanh niên ASEAN và việc nắm bắt được Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo giáo sư Annie Koh, ASEAN cần nắm chắc được bốn chứ "I" trong đó có Identity - bản sắc; Innovation - sáng kiến, theo đó chú trọng tới những tiến bộ về công nghệ; Inclusive - bao trùm, nhấn mạnh tới việc sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số và intergration - sự hội nhập, cần chăm chỉ hơn, đi đầu về xã hội.

"Nếu chúng ta có đủ "bốn chữ I" này, ASEAN có thể sẵn sàng đi về tương lai," bà Annie Koh nhấn mạnh.

Ông Rajan Anandan - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Công ty Google Ấn Độ nhấn mạnh, tiềm năng của ASEAN ở vai trò và vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp phần trăm rất lớn vào GDP của khu vực, cũng như là lực lượng tạo ra phần lớn công việc cho người dân. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vô cùng quan trọng.

Ông Rajan Anandan cho biết vừa qua Google đã cam kết đào tạo 3 triệu chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN để đảm bảo nền kinh tế số, thực sự khai thác được tốt nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và doanh nghiệp vừa và nhỏ là sương sống của nền kinh tế ASEAN.

Vấn đề việc làm cho giới trẻ trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được các diễn giả chia sẻ theo nhiều khía cạnh khác nhau. Bà Yasmin Mahmood, Chủ tịch tập đoàn kinh tế số của Malaysia cho rằng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khiến những người lao động có kỹ năng thấp bị thay thế. Vì vậy, giới trẻ, nếu không muốn bị thất nghiệp cần phải phát huy tìm hiểu thông tin mới.

Theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty VNG Việt Nam, tiếp cận cái mới là điều mà giới trẻ cần phải chú trọng. Trong năm năm, ngành marketing đã trở thành lỗi thời, kiến thức trong trường học không còn nhiều giá trị thực tế bởi sự thay đổi quá nhanh chóng. Vì thế, các bạn trẻ phải luôn luôn cập nhật, không có công việc nào là cố định. Bên cạnh khả năng cập nhật, tính sáng tạo cũng rất quan trọng.

"Trong kinh doanh, phương thức thông thường là nghiên cứu những mô hình thành công. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải sáng tạo chứ không phải là sao chép nguyên bản. Khi tôi đến Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ, tôi nghĩ có thể đặt một văn phòng ở đó chứ không phải sao chép nó tại Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải sáng tạo trong một môi trường phù hợp khi thế giới đang hình thành những trung tâm sáng tạo," ông Minh bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khi có một nền giáo dục tốt. Thời gian đào tạo sẽ nhiều hơn nhưng chi phí có thể rẻ đi vì đã được số hóa. Vì thế, mọi người chỉ tập trung vào những gì cần học mà thôi.

Phiên thảo luận đặc biệt này là sự hợp tác giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm tạo một diễn đàn mở cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN.

Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm