Quang cảnh Hội nghị. Ảnh Nhật Hào |
Đề tài do Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) chủ trì, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương làm chủ nhiệm.
Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài, hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhất định. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật về logistics đang dần được hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ điều chỉnh về dịch vụ logistics; đối với hệ thống hạ tầng logistics, Gia Lai có vị trí thuận lợi về giao thông với nhiều trục quốc lộ đi qua, có sân bay Pleiku; hệ thống kho bãi phục vụ tập kết, bảo quản hàng hóa hiện đã và đang đầu tư 9 dự án kho hàng nông, lâm sản tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Bên cạnh đó, đến năm 2021, toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ logistics (chiếm 4,76% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) và 1.722 cơ sở kinh doanh cá thể thuộc lĩnh vực logistics…
Tuy nhiên, hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến khả năng kết nối của tỉnh với khu vực lân cận, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung của tỉnh. Đơn cử như Gia Lai chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể về phát triển logistics; hệ thống văn bản, chính sách về logistics chưa được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; cơ sở hạ tầng logistics chưa được đầu tư hiện đại, thiếu các trung tâm logistics quy mô để kết nối các loại hình vận tải trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp logistics chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh manh mún, chủ yếu tập trung ở thị trường nội địa; nguồn nhân lực logistics thiếu nghiêm trọng…
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương báo cáo kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Nhật Hào |
Vì vậy, trong thời gian 24 tháng, nhóm thực hiện đề tài đã tập trung dự báo tiềm năng phát triển hệ thống logistics, đề xuất kế hoạch chi tiết phát triển hệ thống logistics; giải pháp phát triển hạ tầng logistics kết nối liên vùng trên địa bàn tỉnh, phát triển nguồn hàng, gia tăng nhu cầu dịch vụ logistics; nâng cao năng lực cung ứng, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics; hoàn thiện quản trị logistics tại doanh nghiệp…
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý cho nhóm thực hiện đề tài một số nội dung như: cần làm rõ đóng góp của logistics đối với việc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh; đánh giá thực trạng các điều kiện phát triển logstics; nội dung và cách thức thực hiện giải pháp phát triển hệ thống logstics trên địa bàn tỉnh kết nối liên vùng; quy trình vận hành các trung tâm logstics. Ngoài ra, cần làm rõ tính liên kết vùng và bổ sung thêm một số kinh nghiệm phát triển hệ thống logistics từ các tỉnh có điều kiện tương tự…
Kết quả, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh Gia Lai xếp loại đạt yêu cầu.