Xã hội

Đời sống

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Xã Ayun có 6 thôn, làng gồm: Keo, Achông, Vơng Chép, Tung Ke, Hvăk, Amil với 942 hộ; trong đó hộ dân tộc thiểu số là 895 hộ. Đầu năm 2024, toàn xã còn 205 hộ nghèo, 217 hộ cận nghèo. Theo chỉ tiêu đề ra, trong năm xã phấn đấu xóa 65 hộ nghèo, 59 hộ cận nghèo.

z6040461122656-964411bf406af4b27b4e8393c6c99717.jpg
Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, diện mạo thôn, làng ở xã vùng 3 Ayun đã có nhiều khởi sắc.
Ảnh: P.D

Để thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, xây dựng và sửa chữa nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng, trao phương tiện sinh kế…

Ông Đinh Tinh-công chức văn hóa-xã hội xã Ayun thông tin: Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ sinh kế và chuyển đổi nghề cho 112 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các làng với tổng kinh phí 2,036 tỷ đồng. Năm 2024, xã đã bàn giao 44 con bò giống sinh sản cho 22 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các làng: Keo, Vơng Chép, Tung Ke, Amil từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 với 784 triệu đồng.

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và các Mạnh Thường Quân, từ năm 2021 đến nay, xã đã xóa được 16 nhà dột nát cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; từ nguồn kinh phí địa phương, xã đã hỗ trợ sửa chữa 10 căn nhà.

z6040452351245-f02902ea86434cf8c1cda703d222d3ac.jpg
Nhiều hộ dân ở xã nghèo Ayun đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng máy móc vào sản xuất. Ảnh: P.D

Cuối năm 2023, Hội LHPN huyện Chư Sê và các Mạnh Thường Quân xây nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Nơ (làng Tung Ke) kèm một số vật dụng thiết yếu với tổng trị giá 80 triệu đồng. Năm 2024, gia đình bà tiếp tục được địa phương hỗ trợ cặp bò giống sinh sản. Dựa trên số liệu rà soát, thống kê mới đây của địa phương, gia đình bà Nơ là 1 trong 7 hộ của làng Tung Ke đã thoát nghèo.

Bà Nơ bộc bạch: “Mình được cho nhà, cho bò, cho bồn nước và một số vật dụng thiết yếu khác. Mình cũng nghe theo cán bộ xã hướng dẫn chăm sóc 2 sào lúa, làm thêm mì, thời gian rảnh thì đi làm thuê để có tiền”.

Tương tự, năm 2024, làng Achông đã giảm 11 hộ nghèo. Đến nay, làng còn 23 hộ nghèo trong tổng số 110 hộ dân. Bà Hiêng-Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Achông cho biết, từ khi có Công trình thủy lợi Plei Keo, 80% hộ dân có diện tích canh tác tại cánh đồng làng đã được hưởng lợi. Canh tác lúa nước 2 vụ giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, đời sống nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, bà con còn trồng các loại cây ngắn ngày và chăn nuôi bò. Hiện làng có 22 hộ chăn nuôi bò, chia làm 3 tổ để luôn phiên chăn thả, tiết kiệm nhân công lao động.

“Còn khoảng 15 ha ở cánh đồng Achông bà con vẫn trồng lúa 1 vụ vì nước từ Công trình thủy lợi Plei Keo chưa dẫn đến nơi. Nếu khai thác hết diện tích này để canh tác lúa nước 2 vụ, đời sống người dân sẽ còn cải thiện”-bà Hiêng cho biết thêm.

z6041148788799-3645419158093136a70bd997c191ca52.jpg
Các hộ chăn nuôi bò ở làng Achông liên kết thành 3 tổ để luân phiên chăn thả. Ảnh: P.D

Qua rà soát, thống kê, trong năm 2024, xã Ayun đã giảm được 65 hộ nghèo (đạt 100% chỉ tiêu) và 30 hộ cận nghèo (đạt 50% chỉ tiêu). Đến nay, xã vẫn còn 140 hộ nghèo với 611 khẩu (chiếm 14,86%); 187 hộ cận nghèo với 831 khẩu (chiếm 19,85%).

Ông Nguyễn Văn Hợp-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-thừa nhận công tác giảm nghèo tại xã ngày một khó khăn, vì hộ nghèo “đẻ” hộ nghèo. Lớp trẻ sau khi lập gia đình, tách hộ, thiếu đất sản xuất, không có nguồn thu nhập ổn định, trở thành hộ nghèo tiếp theo. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại, số khác chưa mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cộng với quỹ đất sản xuất ít lại cằn cỗi… là nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã còn cao.

Mặt khác, tuyến đường liên xã từ Kông Htok đến xã Ayun xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

“Hiện tại, tuyến đường liên xã đang thi công. Chúng tôi tin rằng, tuyến đường hoàn thành sẽ tạo động lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Về phía xã, thời gian tới tiếp tục phân công các ngành, đoàn thể phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời liên kết với công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo”-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm