Du lịch

Xanh để du lịch miền Trung tái sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du lịch xanh là một trong những hướng đi mới để phục hồi du lịch miền Trung sau đại dịch COVID-19 của du lịch miền Trung. Và Quảng Nam là địa phương tiên phong với du lịch xanh khi đã có những bước đi được chuẩn bị bài bản.

Ảnh: Tường Minh
Điểm đến du lịch xanh
Nếu không có thay đổi vào phút cuối thì Năm du lịch quốc gia 2022 sẽ do Quảng Nam đăng cai tổ chức với chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”. Và lễ khai mạc dự kiến tổ chức vào ngày 25.3.2022 tại Đảo Ký ức Hội An (Công viên Ấn tượng Hội An, TP.Hội An).

Ảnh: Tường Minh
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2021 (COP26) vừa diễn ra đã nhấn mạnh cam kết về phát triển xanh. Vậy nên Quảng Nam cần tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề chính là du lịch xanh. Qua đó, thông điệp du lịch xanh có thể tạo tiếng vang cho du lịch Quảng Nam.
“Chúng ta đã chọn chủ đề du lịch xanh thì các hoạt động chính đều phải thể hiện du lịch xanh. Tất cả phải toát được bản sắc của du lịch xanh, an toàn văn minh” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Và để có được một “Điểm đến du lịch xanh” cho Năm Du lịch quốc gia 2022, trong năm 2021, Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh trong một số loại hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo đó có 6 bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho các loại hình, khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề).
Các bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) trên cơ sở tham khảo 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế và được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 8.2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 với mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh nhằm khai thác các điểm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Qua đó, thu hút thị trường khách có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày, có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch.
Các mục tiêu cụ thể hơn là góp phần thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26 ngàn tỷ đồng, lao động du lịch đạt 23 ngàn người; hằng năm, xây dựng ít nhất một mô hình kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh; đến năm 2025 xây dựng 10 - 20 mô hình du lịch xanh; 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam. 
Nắm bắt cơ hội để xanh sớm nhất
Sau gần 2 năm xây dựng, một điểm “check-in” mang tên Chic Chillax xinh đẹp trên cánh đồng lúa thuộc phường Cẩm Châu (Hội An) đã hoàn thành. Ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Hoa Hồng - đơn vị đầu tư điểm “check-in” chia sẻ, công trình sẽ là điểm nhấn thú vị dành cho khách khi tới Hội An du lịch.

Ảnh: Tường Minh
“Tôi muốn tạo ra một điểm đến xanh, sinh thái, gần gũi thiên nhiên giúp khách có thêm những trải nghiệm mới bên ngoài phố cổ” - ông Dũng nói.
Tại Quảng Nam, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình du lịch gắn với thiên nhiên, sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa… Những làng du lịch cộng đồng, những ngôi vườn sinh thái, trang trại nông nghiệp xanh đã không còn xa lạ với du khách. Ông Lê Ngọc Thuận, chủ nhà hàng Deckhouse An Bang (Hội An) nhìn nhận, du lịch xanh sẽ là xu hướng của tương lai bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.
Gần 2 năm qua, xen lẫn những đợt dịch ông Thuận cũng mày mò, sáng tạo, phát triển thêm các sản phẩm lưu niệm, trang trí xinh xắn từ gỗ lụt (gỗ do nước cuốn trôi ra bờ sông, cửa biển sau mỗi cơn bão, lũ lụt) như tô, dĩa, đèn lồng, con vật…
Hiện tại, ông tập trung sản xuất một số đèn lồng từ vải vụn bỏ kết hợp với gỗ lụt để tham gia cuộc thi lễ hội đèn lồng Hội An. Đây cũng là cách ông muốn truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã có những bước chuyển mình, đầu tư phát triển mô hình du lịch xanh gắn với cộng đồng dân cư và bước đầu đã được cộng đồng du lịch trong nước và quốc tế ghi nhận, trao những giải thưởng uy tín.
Có khoảng gần 40 sự kiện trong Năm du lịch quốc gia 2022 được tổ chức tại Hội An - nơi được Quảng Nam chọn là mô hình điểm để phát triển du lịch xanh. Đây là dịp tốt để đô thị di sản gượng dậy sau hai năm “đóng băng” hoạt động du lịch.
“Quảng Nam gần như là tỉnh đầu tiên của cả nước công bố mục tiêu hướng đến du lịch xanh. Một số địa phương khác cũng tiếp cận vấn đề này nhưng chưa thực sự rõ nét, vì vậy đây là cơ hội để chúng ta nắm bắt để được xanh sớm nhất”, ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: Du lịch xanh, tái tạo lại tài nguyên là xu hướng chung của thế giới, nhất là sau đại dịch COVID-19, con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên hơn. 
"Xưa nay ngành du lịch chúng ta chủ yếu là du lịch khai thác. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu thế giới cho phép ta điều tiết lại, hướng xây dựng tái tạo tự nhiên là quan trọng nhất. Du lịch xanh là hướng để Quảng Nam làm du lịch nhưng không phá hủy tài nguyên thiên nhiên, làm thế nào để tài nguyên có thể sử dụng trong thời gian lâu nhất" – ông Thanh nói.
Theo Tường Minh (LĐO)
https://dulich.laodong.vn/goc-nhin/xanh-de-du-lich-mien-trung-tai-sinh-998622.html

Có thể bạn quan tâm