(GLO)- Bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các loại tội phạm; tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế... góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh toàn diện.
Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, cho rằng, dù bị tác động bởi một số khó khăn song thời gian qua, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên khu vực phụ trách. Theo đó, Đồn duy trì nghiêm các chế độ, quy định về trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng, tổ chức huấn luyện các kế hoạch, phương án bảo vệ đơn vị, địa bàn và thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã độc lập và phối hợp với các lực lượng tổ chức hàng ngàn lượt tuần tra, phát hiện, bắt giữ 176 vụ/462 đối tượng vi phạm quy chế biên giới; 467 vụ/579 đối tượng vi phạm pháp luật, tạm giữ và tịch thu hơn 805 m3 gỗ các loại, 261.702 bao thuốc lá ngoại, 22 khẩu súng, hơn 16 gram heroin, hơn 1 kg ma túy đá...
Cán bộ Đội Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hướng dẫn người dân làng Ó (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phát triển kinh tế. Ảnh: P.D |
Song song với đó, đơn vị cũng triển khai cho Đội Công tác địa bàn và cán bộ quân y tăng cường thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, từng bước xây dựng thế trận lòng dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Thượng úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Công tác vận động quần chúng, cho hay, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đội đã tham mưu cho đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương thành lập được 11 tổ an ninh trật tự thôn, làng và tổ tự quản đường biên, mốc giới. Thành viên các tổ này thường xuyên bám nắm cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với địa phương tổ chức cho 8/8 thôn, làng ký cam kết tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng và đường biên, mốc giới; đến nay đã có 4/8 thôn, làng với 746 hộ/1.806 hộ trong toàn xã hoàn thành việc ký cam kết. Bên cạnh đó, mỗi năm, đơn vị cũng triển khai cho cán bộ, chiến sĩ giúp dân hàng trăm ngày công để thu hoạch mùa màng, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi; vận động học sinh quay trở lại trường lớp; “Nâng bước đến trường” 3 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và duy trì “Bếp ăn tình thương” nuôi 14 học trò nghèo. Cán bộ quân y của Đồn tăng cường cũng chủ động phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống hợp vệ sinh, phòng-chống dịch bệnh; khám-chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.
Đặc biệt, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ để đưa Ia Dom trở thành xã đầu tiên trên khu vực biên giới của tỉnh “cán đích” nông thôn mới vào cuối năm 2015. Trung tá Vũ Văn Hoằng-cán bộ tăng cường xã, chia sẻ: “Trong giai đoạn 2017-2020, đơn vị tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố 2 tiêu chí chưa bền vững, gồm: hộ nghèo và môi trường”. Theo Trung tá Hoằng, với tiêu chí môi trường, từ tháng 8-2017 đến nay, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương vận động trên 600 hộ dân dọc quốc lộ 19 cam kết thu gom rác thải; còn tiêu chí hộ nghèo, đơn vị phấn đấu mỗi năm giúp 1 hộ chính sách thoát nghèo bền vững. Riêng trong năm 2017, đơn vị tập trung giúp gia đình ông Ksor Chiek (làng Ó) cải tạo vườn tạp, củng cố vườn điều, hỗ trợ bò giống, làm chuồng bò và hướng dẫn gia đình cách trồng cỏ.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân thông qua việc chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai mô hình kết nghĩa giữa làng Mook Đen 1 (xã Ia Dom) với làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia); phối hợp xây dựng 3 nhà “Đoàn kết-Hữu nghị” cho 3 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới đối diện... Các hoạt động trên đã thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó giữa đơn vị với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia, góp phần xây dựng đoạn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Phương Dung