Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Trần Vương

10 nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm tới

Với vai trò là yếu tố then chốt, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: T.Vương

Nhận thức rõ vai trò to lớn, nặng nề đó của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm tới. Đó là:

1) Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước trong mỗi giai đoạn.

2) Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh phản bác những âm mưu, luận điệu chống đối, phá hoại.

3) Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên, đồng thời với tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức.

4) Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

5) Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên.

6) Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.

7) Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; hoàn hiện các quy chế, quy định; kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán nhà nước.

8) Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; hoàn thiện và thực hiện quy chế, chế định về sự giám sát của nhân dân đối tổ chức đảng, đảng viên.

9) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và phúc lợi công cộng cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

10) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, bao gồm từ công tác lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, giám sát quyền lực, cho đến phương pháp ra nghị quyết quán triệt học tập nghị quyết, nghiên cứu lý luận.

Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, nhận định những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1.1994), Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này và coi đó là một trong bốn nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam.

Tại các kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương tiếp theo, Đảng ta đã có những đánh giá thẳng thắn về các nguy cơ này.

Các nghị quyết Trung ương 4 khoá XI năm 2012, đặc biệt là từ Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII thì nhiệm vụ chống tiêu cực, chống suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên được làm bài bản hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn. Do đó cũng mang lại kết quả rõ rệt hơn.

Đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận định “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”.

Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.

Có thể bạn quan tâm