Báo xuân

Tự soi, tự sửa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cùng với việc áp dụng một số văn bản chỉ đạo của Đảng một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với công tác “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng và “then chốt của then chốt”-vấn đề cán bộ của Đảng.

Tự soi, tự sửa để vươn lên

Ông Phạm Văn Đức-Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ia Pa-cho biết: Dựa trên kế hoạch của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong huyện đã đồng loạt triển khai đợt cao điểm sinh hoạt chính trị thực hiện Kết luận số 21 gắn với chuyên đề “Tự soi, tự sửa” để tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo đó, Đảng ủy xã Kim Tân tổ chức báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), rồi đại diện các chi bộ, UBND xã, Mặt trận và các đoàn thể báo cáo tham luận “tự soi, tự sửa” trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bà Trần Thị Tuyết-Bí thư Đảng ủy xã-nhìn nhận: “Trong cuộc sống cũng như trong công việc, không ai tránh khỏi hạn chế, khuyết điểm, nhưng thường không thừa nhận điều đó. Ai cũng thích khen, không thích chê, nhất là khi phê bình trước tập thể, lâu dần thành thiếu gương mẫu, thậm chí “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà không hay. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải “tự soi” để thấy hạn chế, khuyết điểm của mình mà “tự sửa” để hoàn thiện bản thân”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm cả cá nhân và tổ chức trong việc tự rèn, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, tự vượt lên chính mình. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 12 điều và khẳng định Đảng muốn được vững bền thì không được quên điều nào. Điều 12 bàn bản thân Đảng “phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của Nhân dân đối với Đảng”.

Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị công bố kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 4-Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị công bố kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 4-Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Vấn đề là Đảng dám tự phê bình, không dám tự phê bình như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc (...). Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”.

Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đặc biệt lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đối với 3 trường hợp theo nguyện vọng cá nhân. Cùng với đó, các địa phương miễn nhiệm 1 chủ tịch HĐND tỉnh, 2 chủ tịch UBND tỉnh. Các quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng, nhất là vấn đề xử lý kỷ luật được hoàn thiện, chặt chẽ và công khai, minh bạch hơn. Cán bộ đã bị kỷ luật sẽ cho thay thế ngay; đồng thời khi có khuyết điểm cũng được khuyến khích từ chức không chờ hết nhiệm kỳ.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 đã xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp xử lý hình sự. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, đã xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này có trường hợp phải xử lý hình sự. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật chiếm 1% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức.

Tương tự với Gia Lai, thời gian qua, các cơ quan, ban ngành chức năng cũng đã tiến hành thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Theo ông Nguyễn Đình Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Pleiku: Từ năm 2021 đến tháng 9-2022, các cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 74 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng 2 đảng viên vi phạm pháp luật để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Như vậy có thể thấy, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó, công tác cán bộ được xem là “then chốt của then chốt” và thực tế cho thấy, Đảng đã thể hiện sự ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài và cấp bách này.

Thêm 2 trụ cột trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Từ Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng không chỉ tập trung ở tư tưởng, chính trị, tổ chức mà được mở rộng thêm 2 yếu tố nữa để thành 5 trụ cột cơ bản: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng rõ ràng là vấn đề rất hệ trọng.

Về trụ cột tư tưởng, các tổ chức Đảng nói chung phải đảm bảo tinh thần “6 dám”: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đi đôi, tập trung chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa.

Để thực hiện tinh thần trên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhanh chóng khắc phục tình trạng xung đột pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tránh rủi ro khi thi hành công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức; có quy chế cụ thể để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tinh giản biên chế cũng phải tính tới cơ chế tiền lương, phân bổ cán bộ, công chức hợp lý; bố trí, luân chuyển đúng người, đúng việc, phát huy người tốt, người tài.

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng yêu cầu làm cho Đảng ta mạnh lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỗ nào yếu, nơi nào yếu thì phải chỉnh đốn, đưa trở lại nền nếp, quy củ, quy định. Đặc biệt, không khoan nhượng mà quyết liệt đấu tranh với cái sai, cái yếu có hại cho vận mệnh và sự tồn vong của Đảng, cũng là của dân tộc.

Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Đảng bộ TP. Pleiku xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị-Thực trạng và giải pháp”, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Trịnh Duy Thuân nhấn mạnh đến yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; giải pháp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Với 30 báo cáo khoa học của các cơ quan, đơn vị và các ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo, nhiều vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của thành phố, trực tiếp là vấn đề cán bộ và đạo đức trong Đảng đã được “xới xáo”, mổ xẻ, phân tích tường tận.

Đóng góp về lĩnh vực này, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu cho rằng: Một số cán bộ trong bộ máy, nhất là các đoàn thể quần chúng không theo kịp với sự phát triển, nhiều cán bộ trẻ thiếu khát vọng vươn lên. Tháng 7 và tháng 8-2022, các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2022-2025 nhưng nhiều đồng chí tái cử có tuổi đời quá cao (trên 65 tuổi) là điều bất cập. Một số đảng viên trẻ ngại va chạm không tham gia vào chi ủy; nhiều chi ủy viên không đáp ứng tiêu chí và yêu cầu nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. “Do vậy, phải tạo điều kiện để số đảng viên trẻ tham gia vào chi ủy cơ sở, giao nhiệm vụ để có cơ sở đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ trẻ, tạo môi trường để lớp trẻ trải nghiệm, trưởng thành”-ông Phạm Đình Thu lưu ý.

Liên quan đến công tác cán bộ và đạo đức của Đảng, ngày 8-9-2022, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, nêu: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Trước đó nữa, ngày 6-7, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, xem xét trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khi quán triệt Kết luận số 21 tại hội nghị toàn quốc cũng nhấn mạnh đến việc xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật. Và mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm…

Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung và mới đây là Nghị quyết số 28-NQ/TW tiếp tục là những “thượng phương bảo kiếm” để công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức của Đảng được tăng cường, giữ vững những trụ cột cơ bản, trong đó có công tác cán bộ và đạo đức.

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm