Điểm đến Gia Lai

Xây dựng di tích xứng tầm chiến thắng Plei Me

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến công tác mới đây tại huyện biên giới Chư Prông, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã đến thắp nén hương viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ tại địa điểm đặt Bia di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Plei Me (xã Ia Ga, huyện Chư Prông, Gia Lai). Trao đổi với lãnh đạo huyện Chư Prông, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ quyết tâm xây dựng khu di tích xứng tầm với quy mô chiến thắng đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của quân-dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Chiến thắng Plei Me là chiến thắng vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ dù đây là trận đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo huyện Chư Prông về di tích Plei Me. Ảnh: L.H
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo huyện Chư Prông về di tích Plei Me. Ảnh: L.H

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: “Với Chiến thắng Đak Pơ năm 1954, chúng ta đã xây dựng được Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Vậy thì không cớ gì với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử như Chiến thắng Plei Me mà chúng ta lại không làm được điều tương tự. Chưa nói, nơi này đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Đây là trách nhiệm của chúng ta để ghi dấu lại chiến công này; đồng thời là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Theo sử liệu, Chiến dịch Plei Me diễn ra trong một khoảng không gian trải rộng từ Bàu Cạn-Plei Me-Ia Drăng-Đức Cơ. Sau 30 ngày đêm tấn công quyết liệt (từ ngày 19-10 đến 19-11-1965), chỉ với trang bị vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, bộ đội chủ lực Tây Nguyên đã cùng với quân và dân Gia Lai trực tiếp là huyện 5 (nay là huyện Chư Prông) đã tiêu diệt một lực lượng lớn gồm 2 lữ đoàn thuộc Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1, 1 chiến đoàn dù, 1 chiến đoàn thiết giáp Quân đội Sài Gòn và 1 trung đoàn Quân đội Nam Triều Tiên với vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi, quân và dân ta đã tiêu diệt 1.700 tên Mỹ và 1.274 tên ngụy, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 59 máy bay lên thẳng… Ghi nhận giá trị lịch sử của nơi diễn ra Chiến thắng Plei Me, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho địa điểm Chiến thắng Plei Me.
Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chư Prông cùng các sở, ngành liên quan đã có sự quan tâm nhất định đến việc quy hoạch xây dựng khu di tích. Tuy nhiên, chủ trương này đến nay mới chỉ được thực hiện phần nào. Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-thông tin: Trước đây, huyện đã phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan lên phương án quy hoạch xây dựng Di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Plei Me. Đồng thời, địa phương đã nhiều lần mời các vị tướng lĩnh quân đội từng tham gia Chiến dịch Plei Me về thăm lại chiến trường xưa để tham vấn ý kiến về việc quy hoạch và xây dựng khu di tích. Theo phương án này, tổng số vốn đầu tư xây dựng khu di tích khoảng 18 tỷ đồng, có thể sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn của địa phương và kêu gọi sự đóng góp từ các nhà tài trợ. Vừa qua, có một nhà đầu tư ngỏ ý sẽ đồng hành cùng địa phương trong chương trình này và huyện cũng đang cân nhắc.
Thực tế, hiện nay nhiều người dân đã khai hoang trồng mì, cà phê, hồ tiêu… ngay sát nơi đặt bia di tích, mặc dù ngay tại tấm bảng ghi lại chiến công đặt cạnh bia di tích đã ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích”. Trước thực trạng này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu địa phương cần quyết liệt vào cuộc để bảo vệ không gian khu di tích. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Huyện phải xem xét lại cụ thể, chính xác tình trạng người dân canh tác trong phạm vi di tích để có phương án xử lý phù hợp. Nếu không làm chặt chẽ sẽ dẫn đến phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến việc tôn tạo sau này”.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm