(GLO)- Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Khắc ghi lời dạy của Bác, các ngành, địa phương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng nếp sống văn hóa gia đình từ nền tảng giá trị truyền thống.
Ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn gọi gia đình là tổ ấm. Gia đình là nơi mà mỗi người dù bất luận trong hoàn cảnh nào cũng muốn quay về tìm kiếm sự bình yên. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, nhiều giá trị, chuẩn mực truyền thống của tổ ấm đang thay đổi. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đến với nhau khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng để rồi dẫn đến tan vỡ. Nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn, không dành thời gian quan tâm chăm sóc con cái hay đòi hỏi, ép buộc con mình vì những kỳ vọng quá đáng. Cũng có không ít chuyện con cái dùng những lời lẽ không hay, không đúng phép tắc với bố mẹ; nạn quấy rối, xâm hại trẻ em... còn xảy ra.
Vì vậy, từ năm 2019 đến nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” với tiêu chí chung được xây dựng trên 4 nguyên tắc: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Theo đó, bộ tiêu chí đặt ra các mối quan hệ vợ chồng (chung thủy, nghĩa tình); cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ).
Nói về tình hình thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” ở địa phương, ông Võ Sỹ Bình-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ-cho hay: “Để thực hiện hiệu quả các nguyên tắc trong bộ tiêu chí, đầu năm nay, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các thôn làng, gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn làng văn hóa”. Theo đó, 100% thôn, làng, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu văn hóa, 93,4% gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” vào cuối năm 2022. Đến nay, toàn huyện có 17.522 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Vợ chồng ông Rơ Châm Toàn (số 589 Quang Trung, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) hàng ngày vui vầy bên con cháu, ngoan ngoãn, thành đạt. Ảnh: Đinh Yến |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Toàn (số 589 Quang Trung, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có với nhau 5 mặt con. Hiện tại, 4 cháu đã xây dựng gia đình đều có công việc ổn định. Con cái ngoan ngoãn, chịu khó học tập. Đây là thành công lớn nhất đối với vợ chồng chúng tôi khi cả đời vất vả để nuôi dạy con cái nên người; vợ chồng hòa thuận sống bên nhau hạnh phúc”.
Nói về kinh nghiệm xây dựng gia đình, ông Toàn cho rằng, dù là máu mủ nhưng mỗi người một tính cách, có quan điểm và suy nghĩ khác nhau nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, người lớn phải có trách nhiệm dạy bảo con cháu đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận mọi việc, biết chia sẻ, cảm thông, tránh hiềm khích, đố kỵ. Từ đó, mỗi thành viên sẽ hiểu và yêu thương nhau hơn.
Cùng với việc gìn giữ nếp sống văn hóa, gia đình ông Toàn luôn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, hòa nhã với xóm giềng, là tấm gương sáng cho bà con lối xóm học tập. Năm 2020, gia đình ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình giai đoạn 2015-2020.
Nhiều gia đình ở xã Ia Din (huyện Đức Cơ) không chỉ làm kinh tế giỏi mà luôn tích cực tìm hướng đi mới trong xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ảnh: Đinh Yến |
Theo xu thế phát triển của xã hội, gia đình truyền thống nhiều thế hệ dần thay thế bằng mô hình gia đình nhỏ. Điều đó ít nhiều khiến sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình nới rộng khoảng cách. Về điều này, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-nhìn nhận: Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống hiện đại, các thành viên, nhất là vợ và chồng cần nhận thức, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Với chủ đề “Gia đình bình an-xã hội hạnh phúc” trong Ngày Gia đình Việt Nam 2022, TP. Pleiku đã có nhiều hoạt động như: vận động các gia đình tham gia cuộc thi viết về gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động; phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể, xã, phường tổ chức thăm hỏi các gia đình tiêu biểu; thành lập các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; hội thảo, tập huấn về nội dung đề cao những giá trị cốt lõi của gia đình, tạo tiền đề cho một xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.
Để tiếp tục phát huy giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt, ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Ngành Văn hóa chú trọng nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, làm thấm sâu vào nếp sống hàng ngày của các gia đình, tạo nên môi trường lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình. Một gia đình bình an chính là tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội hạnh phúc. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết. Kết quả của công tác này, ngoài vai trò trách nhiệm của ngành Văn hóa còn cần sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
ĐINH YẾN