Chính trị

Tin tức

Xây dựng huyện Ia Pa vững mạnh toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Suốt 15 năm kể từ ngày thành lập, huyện Ia Pa luôn chủ động phát huy nội lực và tận dụng các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Huyện Ia Pa được thành lập theo Nghị định số 104/2002/NĐ-CP ngày 18-12-2002 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18-3-2003. Toàn huyện có 9 xã (trong đó 7 xã đặc biệt khó khăn), dân số  41.484 người (đồng bào Jrai chiếm 70,97%), diện tích tự nhiên 87.088 ha. 

 

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đức Phương
Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đức Phương

Dấu ấn 15 năm

Sau ngày thành lập, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Ia Pa đã nhanh chóng ổn định tình hình, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng bộ huyện cũng tập trung củng cố hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, đoàn thể từ huyện đến cơ sở để lãnh đạo, điều hành. Đồng thời, huyện từng bước ổn định tình hình sản xuất, đời sống, định canh định cư, xác định rõ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong 15 năm qua, huyện đã xây dựng 15 trạm bơm điện và tu sửa, xây mới hệ thống kênh mương nội đồng tạo điều kiện mở rộng diện tích lúa nước, nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Năm 2017, diện tích gieo trồng của huyện đạt 31.830 ha (gấp 2,9 lần so với năm 2003); tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 59.113 tấn (gấp 2,1 lần so với năm 2003). Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng nguyên liệu mía, thuốc lá, mì gắn với sơ chế tại chỗ. Huyện xác định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng vừa duy trì con giống tốt vừa chú trọng công tác lai cải tạo đàn bò địa phương, nạc hóa đàn heo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 trang trại heo nuôi công nghiệp quy mô hàng ngàn con và một số trang trại chăn nuôi bò quy mô 150-300 con.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm lãnh đạo thực hiện. Đến cuối năm 2017, các xã Ia Trok, Pờ Tó, Ia Tul đã đạt 11 tiêu chí; xã Ia Ma Rơn đạt 10 tiêu chí; xã Chư Mố và Ia Broăi đạt 9 tiêu chí; xã Ia Kdăm và Chư Răng đạt 8 tiêu chí; xã Kim Tân đạt 7 tiêu chí.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá về số lượng và chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng năm 2017 đạt 694 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với năm 2003. Trong 15 năm qua, Nhà nước đã đầu tư cho huyện hơn 350 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, trạm bơm điện, kênh mương thủy lợi... Giá trị thương mại và dịch vụ năm 2017 đạt 487 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2003. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 11,2 tỷ đồng, gấp 12 lần năm 2003.

Huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Đến nay, hầu hết các xã của huyện đã có trường học được tầng hóa, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt trên 98%. Trình độ dân trí được nâng cao đã góp phần xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, các chương trình y tế quốc gia được triển khai rộng rãi, góp phần chăm lo tốt sức khỏe cho nhân dân. Các mặt đời sống văn hóa, tinh thần được quan tâm. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở được triển khai sâu rộng. Các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chu đáo. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả cao, đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của huyện giảm còn 27,85%... An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tỷ lệ giao quân hàng năm của huyện luôn đạt 100% chỉ tiêu.

Định hướng cho tương lai

Nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đặt ra rất nặng nề. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10,4%, trong đó nông nghiệp tăng 7,6%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,4%, dịch vụ tăng 13,5%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020, nông nghiệp chiếm 55,5%, công nghiệp-xây dựng chiếm 25,8%, dịch vụ chiếm 18,7%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 25 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4-5%/năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên không quá 1,51%...

 

Chỉnh trang đô thị khu trung tâm hành chính huyện Ia Pa. Ảnh: Đức Phương
Chỉnh trang đô thị khu trung tâm hành chính huyện Ia Pa. Ảnh: Đức Phương

Để đạt mục tiêu nêu trên, huyện xác định phát huy hết thế mạnh và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện coi việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Trong đó, huyện sẽ tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như: mía, mì, lúa nước, thuốc lá; đẩy mạnh lai cải tạo đàn bò, hướng đến phát triển chăn nuôi quy mô trang trại; định hướng chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và hướng tới sự bền vững.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đa dạng các hình thức liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản. Xây dựng kết cấu hạ tầng; làm đường giao thông, thủy lợi vào khu sản xuất để khai thác 2.000 ha đất tại cánh đồng các xã: Chư Mố, Ia Kdăm, Ia Tul. Xây dựng Cụm Công nghiệp tại xã Ia Ma Rơn. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu trung tâm huyện về hướng xã Ia Ma Rơn và chuẩn bị các điều kiện tiến đến xây dựng thị trấn Ia Ma Rơn trong tương lai. Xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, đồng thời kêu gọi đầu tư, khuyến khích xây dựng các nhà máy xay xát, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có công, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm xóa đói giảm nghèo. Phát triển đồng bộ văn hóa, thể thao, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc. Giải quyết có hiệu quả tệ nạn xã hội… làm tiền đề và động lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

 

Đảng bộ huyện Ia Pa hiện có 41 tổ chức cơ sở Đảng với tổng số 1.553 đảng viên (tăng 1.050 đảng viên so với năm 2003). Thông qua công tác kết nạp đảng viên mới, 5 năm trở lại đây, huyện Ia Pa đã thành lập được chi bộ ở 75/75 thôn, làng. Đến nay đã có trên 30 chi bộ thôn, làng thành lập được chi ủy để nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tỷ lệ đảng viên được kết nạp hàng năm đạt trên 6% so với tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ. Đa số đảng viên kết nạp mới đều có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Số lượng, cơ cấu kết nạp đảng viên nữ, dân tộc thiểu số, đoàn viên, tôn giáo năm sau cao hơn năm trước.

Huyện cũng sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý điều hành của UBND các cấp. Củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc tập hợp, tổ chức, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng nông thôn mới.

15 năm qua, dẫu còn là một huyện nghèo nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự điều hành của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Ia Pa đã phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, nỗ lực vượt qua thử thách, hăng say lao động sản xuất, giữ vững quốc phòng-an ninh, phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Nguyễn Thế Hùng
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm