Kinh tế

Nông nghiệp

Xây dựng kế hoạch diễn tập "cảnh báo sớm, hành động sớm" ứng phó hạn hán ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-1, Ban Quản lý Dự án tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch diễn tập "cảnh báo sớm, hành động sớm" ứng phó hạn hán trên địa bàn tỉnh. 

Tham dự hội thảo có 37 đại biểu đại diện cho các sở, ngành liên quan; đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê; Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Ia Pal (huyện Chư Sê).
 

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Lê Nam

Theo đó, Dự án “Thúc đẩy cơ chế tài chính dựa trên dự báo/cảnh báo sớm, hành động sớm và bảo trợ xã hội trong tình huống khẩn cấp thông qua việc sử dụng sáng tạo thông tin về rủi ro khí hậu nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam” giai đoạn 2 được triển khai từ ngày 25-8-2020 đến 28-2-2021 tại xã Ia Pal (huyện Chư Sê). Tổng kinh phí triển khai dự án là hơn 2,2 tỷ đồng (Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý hơn 990 triệu đồng, Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam hơn 1,27 tỷ đồng).

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ 700 người (cán bộ cơ quan liên quan các cấp và người dân trong cộng đồng thuộc địa bàn triển khai dự án). Đồng thời, tăng cường khả năng thích ứng của sinh kế cộng đồng trước thiên tai; giảm thiểu thiệt hại từ hạn hán thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính dựa trên cảnh báo sớm, hành động sớm tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và tham gia các hoạt động diễn tập trong ứng phó với hạn hán, thiên tai thời gian qua; thống nhất tiến trình ra quyết định kích hoạt hành động sớm ứng phó hạn hán giữa các bên liên quan; thống nhất nội dung “cảnh báo sớm, hành động sớm” ứng phó hạn hán. Đồng thời, thống nhất kế hoạch dự kiến vào tháng 2-2021 tổ chức diễn tập “cảnh báo sớm, hành động sớm” ứng phó hạn hán khi hết thúc giai đoạn 2 của dự án.    

Trước đó, dự án đã triển khai giai đoạn 1 (năm 2018-2019) tại 2 xã Kông Htok (huyện Chư Sê) và Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Theo đó, dự án đã tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai tại cộng đồng và diễn tập ứng phó hạn hán tại 2 xã này. Đồng thời, hỗ trợ cho 380 hộ dân (300 hộ nhận tiền mặt 1,1 triệu đồng/hộ và 80 hộ nhận bồn chứa nước 2.000 lít/bồn); trang bị cho 2 xã dự án 2 hệ thống loa không dây, 40 loa cầm tay, 20 loa kéo.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm