Đô thị

Xây dựng thành phố thông minh phải "có hồn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 17-5, tại TP.HCM diễn ra hội thảo “Bài học kinh nghiệm, thách thức và cơ hội phát triển thành phố thông minh” do Trường Đại học Việt Đức phối hợp Viện nghiên cứu Fraumhofer và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức.
 

Các diễn giả trình bày tham luận về phát triển thành phố thông minh.
Các diễn giả trình bày tham luận về phát triển thành phố thông minh.

Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất từ Sáng kiến ​​Thành phố Tương lai (Morgenstadt) với trọng tâm về việc triển khai phòng thí nghiệm thành phố thông minh (Smart City Lab). Sáng kiến này do BMBF tài trợ và được triển khai bởi liên hiệp gồm hơn 40 đối tác là doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu do Viện Fraunhofer điều phối và triển khai ở nhiều thành phố trên thế giới.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, T.S Nguyễn Ngọc Hiếu, giảng viên lĩnh vực Khoa học xã hội trong phát triển đô thị Trường Đại học Việt Đức cho biết, hội thảo hôm nay các chuyên gia và nhà khoa học sẽ nhấn mạnh về vấn đề phòng thí nghiệm thành phố thông minh (Smart City Labs). City Labs là tên gọi của một nhóm việc phải làm, đây là một công cụ quan trọng, một giải pháp giúp cho việc đo lường hiện trạng của thành phố, một kế hoạch tổng thể, định hướng sự phát triển, đưa cái mới vào khuôn khổ thể chế, tạo một cấu trúc tốt hơn.

 

Thành phố thông minh là thành phố tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn. Đến năm 2025, TP.HCM sẽ là Smart city.
Thành phố thông minh là thành phố tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn. Đến năm 2025, TP.HCM sẽ là Smart city.

Theo T.S Hiếu thành phố thông minh là thành phố tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn, xây dựng thành phố thông minh làm sao trở thành thành phố "có hồn". Hồn ở đây là dữ liệu số, dữ liệu chia sẻ, nền tảng vận hành internet, công nghệ, không gian cho hệ sinh thái phát triển. Trên cơ sở cơ chế tài chính hiệu quả, kinh doanh mua sắm hiệu quả, thể chế văn hóa trao đổi, tất cả mọi người cùng làm xây dựng trên nền tảng nhất định thì thành phố thông minh mới có giá trị. "Thành phố thông minh người ta hay nói là xây dựng trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên công nghệ thì thay đổi rất nhanh, công nghệ hôm nay là "thông minh" nhưng ngày mai có thể thông minh hơn", T.S Hiếu nói.

Trình bày tham luận tại hội thảo, T.S Võ Bích Hiển, Trường Đại học Việt Đức đang thực hiện các nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Việt Nam bằng cách sử dụng mạng cảm biến có chi phí thấp kết hợp với trí thông minh nhân tạo và cảm nhận của đám đông, chia sẻ về giải pháp tích hợp cảm biến không dây trong quan trắc chất lượng không khí cho Smart City Thành phố Mới Bình Dương.

Theo T.S Hiển, ô nhiễm không khí đang là một vấn đề lớn nghiêm trọng của các TP lớn tại Châu Á, hệ thống giám sát không khí có chi phí thấp, nhỏ gọn, thân thiện với người dùng giúp việc quan trắc không khí trên quy mô không gian rộng lớn theo thời gian thực trở nên dễ dàng hơn. Điều này giúp tăng cường hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước cũng như khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động giám sát môi trường.

Đỗ Loan/baogiaothong

Có thể bạn quan tâm