Kinh tế

Doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Văn hóa doanh nghiệp đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết để mỗi doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại Gia Lai, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng văn hóa doanh nghiệp với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Dù “độc quyền” ở lĩnh vực cung cấp điện nhưng Công ty Điện lực Gia Lai luôn quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. “Chúng tôi rất chú trọng xây dựng đội ngũ nhân viên thân thiện, gần gũi khi làm việc với khách hàng. Công ty cung cấp các dịch vụ điện với chất lượng tốt nhất thông qua đội ngũ con người chuyên nghiệp, tận tâm, sáng tạo, hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Công ty nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng”-ông Võ Công Hiền-nhân viên phụ trách công tác truyền thông Văn phòng Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết.
 Điện lực Đak Đoa tổ chức sinh nhật định kỳ cho các cán bộ, công nhân viên. Ảnh: H.D
Điện lực Đak Đoa tổ chức sinh nhật định kỳ cho các cán bộ, công nhân viên. Ảnh: H.D
Bên cạnh đó, đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Công ty Điện lực Gia Lai còn đặc biệt chú trọng củng cố đoàn kết nội bộ từ Công ty đến các đơn vị trực thuộc. Ông Hồ Cát Tuấn-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Điện lực Chư Prông-cho hay: “Những yếu tố tạo nên sự đoàn kết của mỗi tập thể là mọi người phải được đối xử công bằng, cùng chia sẻ thông tin, thống nhất trong hoạt động. Do vậy, chúng tôi rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Một trong những hoạt động cụ thể là việc tổ chức sinh nhật cho cán bộ, công nhân viên. Cứ mỗi quý, đơn vị lại tổ chức sinh nhật chung cho những cán bộ, công nhân viên có ngày sinh trong quý đó. Đây là dịp để người lao động trong đơn vị thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, chia sẻ niềm vui với nhau để từ đó cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Tại cuộc gặp mặt các doanh nghiệp đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng chỉ đạo các doanh nghiệp bên cạnh việc nỗ lực sản xuất kinh doanh phải chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp nói chung do chịu nhiều áp lực về cạnh tranh, doanh thu và lợi nhuận mà bỏ quên việc xây dựng văn hóa. Song, tại “Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam tổ chức đầu tháng 10-2018, ông Giản Tư Trung-Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED-nhận định: “Văn hóa vừa là chân phanh để ngăn doanh nghiệp không thực hiện một số hành vi không tốt, vừa là chân ga thôi thúc doanh nghiệp làm điều đúng, điều đẹp. Văn hóa là những gì còn lại khi đã mất mọi thứ và là những gì còn thiếu sau khi đã có tất cả mọi thứ. Đối thủ có thể ăn cắp của bạn chiến lược, quy trình, mẫu mã sản phẩm, công nghệ..., nhưng văn hóa doanh nghiệp là thứ họ không thể sao chép hay ăn cắp”.
Nhận định của ông Giản Tư Trung có nghĩa, văn hóa chính là lợi thế cạnh tranh quan trọng bậc nhất và bền vững nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, cuối tháng 11-2018, Ban tổ chức cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Ban tổ chức 248) đã tổ chức Hội nghị triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động với 17 tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn-Trưởng ban tổ chức cuộc vận động 248, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nói: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, là linh hồn của thương hiệu, đó chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp”.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm