Thời sự - Sự kiện

Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để văn hóa sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng phát triển trong cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về SHTT.

Qua đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân được nâng cao, các chủ thể đã quan tâm hơn trong việc xác lập cũng như tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT.

Năm 2020, anh Nguyễn Hữu Thuận (thôn Thống Nhất, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) xây dựng mô hình sản xuất cà phê khép kín từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến. Với 2 ha cà phê của gia đình được trồng theo phương pháp hữu cơ, gia đình anh Thuận thu về trên 8 tấn nhân/vụ.

Anh Thuận chia sẻ: “Tôi bắt đầu tạo dựng thương hiệu cà phê Nguyên Sang khi được chính quyền địa phương và Sở KH-CN hỗ trợ, giúp đỡ. Với người nông dân như chúng tôi, việc xác lập quyền SHTT còn khá mới mẻ. Vì thế, tôi tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về thủ tục đăng ký quyền SHTT, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thành tựu của hoạt động SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tháng 4-2023, tôi đã hoàn tất việc đăng ký quyền SHTT cho thương hiệu cà phê Nguyên Sang”.

Anh Nguyễn Văn Lập (bìa trái, tổ 1, thị trấn Chư Prông) cho biết, sản phẩm mật ong Thiện Nhân của anh đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: T.D

Anh Nguyễn Văn Lập (bìa trái, tổ 1, thị trấn Chư Prông) cho biết, sản phẩm mật ong Thiện Nhân của anh đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: T.D

Tương tự, sau khi được các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ, đầu năm 2023, sản phẩm mật ong Thiện Nhân của anh Nguyễn Văn Lập (tổ 1, thị trấn Chư Prông) được đăng ký quyền SHTT và chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Lập phấn khởi cho hay: “Các chính sách về SHTT trên địa bàn tỉnh được ban hành toàn diện đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về SHTT, nhất là những hộ kinh doanh cá thể như chúng tôi.

Việc xác lập quyền SHTT sẽ tăng cường thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng, ngăn chặn lạm dụng quyền SHTT, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ sở hữu cũng như của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, những năm qua, Sở KH-CN đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành một số văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật, thủ tục đăng ký quyền SHTT, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thành tựu của hoạt động SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, mạng xã hội... nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Công tác phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, các hoạt động hỗ trợ xác lập quyền SHTT cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được Sở KH-CN tổ chức thường xuyên. Số lượng tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích đều tăng theo từng năm.

Giai đoạn 2020-2022, tỉnh có 460 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và 263 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghệ được Cục SHTT cấp. 100% sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu; hơn 50 nhà sáng chế được hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích; hơn 500 tổ chức, cá nhân được tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường.

Gia Lai đang nỗ lực tạo dựng và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Ảnh: Trần Dung

Gia Lai đang nỗ lực tạo dựng và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Thời gian qua, các ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước về SHTT. Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp được đưa vào sử dụng phần nào giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin SHTT có chất lượng.

Nhìn chung, thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn.

Qua đó, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.

“Trong chiến lược và chương trình hoạt động những năm tiếp theo, Sở KH-CN tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó, tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân tăng bình quân 10-15%/năm”-Phó Giám đốc Sở KH-CN thông tin.

Có thể bạn quan tâm