Định vị thương hiệu cho sản phẩm chủ lực
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là một trong những hướng đi trọng tâm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, theo chuỗi giá trị, nhất là trong thời điểm tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền SHTT cho 18 sản phẩm địa phương như: nhãn hiệu chứng nhận gạo Phú Thiện, rau An Khê, rau Đak Pơ, gạo Ia Lâu-Chư Prông, phở khô Gia Lai, bò Krông Pa-Gia Lai…; chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Ba Chăm Mang Yang, hồ tiêu Chư Sê, cà phê Gia Lai. Vừa qua, Gia Lai có thêm sản phẩm “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai” được nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận từ Cục SHTT (Bộ KH-CN).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đón nhận văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” và “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”. Ảnh: Trần Dung |
Bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Hiện nay, sản phẩm mật ong hoa cà phê của chúng tôi đã được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu mật ong hoa cà phê góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho người nuôi ong, củng cố lại hệ thống sản xuất, ổn định và duy trì sự phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật truyền thống của địa phương”.
Cùng quan điểm, ông Ksor Tin-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Thuốc lá là sản phẩm chủ lực của địa phương. Đến năm 2023, tổng diện tích trồng cây thuốc lá của huyện là 2.200 ha. Tuy nhiên, quá trình tiêu thụ sản phẩm còn gặp một số khó khăn và chưa có sự định hướng cụ thể, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả kinh tế còn ở mức thấp, nhất là khi sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ SHTT. “Nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai” được cấp văn bằng bảo hộ là tín hiệu vui. Đây không chỉ đơn thuần là sự khẳng định một thương hiệu mà còn mở ra cơ hội nghiên cứu đánh giá chất lượng, thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Sản phẩm sẽ được cơ quan có thẩm quyền gắn nhãn hiệu, được bảo hộ và sử dụng trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm”-ông Ksor Tin khẳng định.
Sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai được nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: T.D |
Được Cục SHTT trao chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai”, bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ cơ sở cà phê Thảo Hiên (huyện Ia Grai) chia sẻ: “Chứng nhận giúp chúng tôi quảng bá, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm”. Chung nhận định, bà Trịnh Thị Lương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee (TP. Pleiku) phấn khởi cho hay: Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trở thành công cụ giúp nhận diện, truyền thông và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Với đơn vị kinh doanh sản phẩm cà phê như chúng tôi thì các chính sách về SHTT đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc tăng cường thúc đẩy sáng tạo, ứng dụng SHTT, ngăn chặn lạm dụng quyền SHTT, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ sở hữu.
Thúc đẩy phát triển các nguồn lực địa phương
Thời gian qua, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước về SHTT. Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp được đưa vào sử dụng phần nào giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ cũng như khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ và đặc biệt là hỗ trợ sử dụng các dịch vụ SHTT có chất lượng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN, công tác tập huấn, tuyên truyền và phổ biến các kiến thức về SHTT đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chủ cơ sở kinh doanh về các quy định trong lĩnh vực SHTT, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương được quan tâm, đẩy mạnh, cụ thể như: Quảng bá các sản phẩm cà phê Gia Lai, hồ tiêu Chư Sê, gạo Ba Chăm Mang Yang, chanh dây Gia Lai, phở khô Gia Lai, bò Krông Pa... trên các trang thông tin điện tử và cuốn cẩm nang sản phẩm thế mạnh của tỉnh. “Có thể thấy, SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2030 đang được đẩy mạnh triển khai toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ đó, các sản phẩm địa phương đã có sẵn giá trị chất lượng, đạt được danh tiếng, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, phát triển du lịch địa phương”-Phó Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh.
Cà phê Tamba (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) vừa được trao chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai”. Ảnh: Trần Dung |
Trong chiến lược và chương trình hoạt động những năm tiếp theo, Sở KH-CN tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương. Theo đó, tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực tỉnh sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân tăng bình quân 10-15%/năm…
Ông Lưu Hoàng Long-Cục trưởng Cục SHTT-nhận định: “Cục SHTT luôn đồng hành phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc sản. Những kết quả mà Gia Lai đạt được thể hiện sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, người dân trong việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh Gia Lai trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh: “Tuy nhiên, việc bảo hộ chỉ là bước khởi đầu. Việc quản lý để gìn giữ chất lượng và danh tiếng của sản phẩm mới là bài toán đặt ra cho chủ sở hữu trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Việc quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Gia Lai cần dựa trên lợi thế và đặc điểm tổ chức sản xuất thương mại phù hợp. Đặc biệt, cần dựa trên định hướng chính sách của Nhà nước và địa phương nhằm xây dựng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh cạnh tranh như hiện nay”.