Kinh tế

Doanh nghiệp

Xây dựng văn minh thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xây dựng văn minh thương mại là việc hình thành và duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Mức độ văn minh thương mại được đánh giá bởi nhiều yếu tố như: tính minh bạch, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Văn minh thương mại thể hiện qua việc tuân thủ đạo đức kinh doanh, đảm bảo tính trung thực, tôn trọng, trách nhiệm, công bằng trong các giao dịch thương mại. Người kinh doanh không được vi phạm bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hoặc sử dụng trái phép những sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền đã được bảo vệ bởi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ hay nói cách khác là các hành vi gian lận và bất chính trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, người kinh doanh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo điều kiện lao động an toàn, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Thái độ phục vụ của nhân viên siêu thị là yếu tố giúp tăng sự hài lòng, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng. Ảnh: V.T

Thái độ phục vụ của nhân viên siêu thị là yếu tố giúp tăng sự hài lòng, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng. Ảnh: V.T

Thạc sĩ Phan Thanh Hương-giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, văn minh thương mại thể hiện qua những hành động và thái độ của người kinh doanh. Khi các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách văn minh thì đồng nghĩa với việc họ đang xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, tại chợ là thể hiện văn minh trong giao tiếp, ứng xử với khách hàng, không nói thách, ép giá, nâng giá, cân đúng, cân đủ. Đồng thời, bày bán hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người bán phải có thái độ tôn trọng, cởi mở, giao tiếp có văn hóa, không chèo kéo khách.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng văn minh thương mại ở chợ hoặc một số hàng quán vẫn còn chưa được quan tâm, bởi tình trạng cân thiếu, bán gian, thách giá, tỏ thái độ không hài lòng khi khách hàng không mua… vẫn còn xảy ra. Bởi vậy, với không ít người nội trợ, khi ra chợ thường lựa chọn người bán quen để tới để có được sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, giá bán hợp lý, cảm thấy thoải mái khi đến mua, được hỗ trợ nếu gặp vấn đề đối với sản phẩm, hàng hóa.

Văn minh thương mại ở chợ là việc không nói thách, nâng giá, cân đúng, cân đủ. Ảnh: Vũ Thảo

Văn minh thương mại ở chợ là việc không nói thách, nâng giá, cân đúng, cân đủ. Ảnh: Vũ Thảo

Đã từng đến các siêu thị điện máy mua hàng, hầu như ai cũng có cảm giác được tiếp đón lịch sự. Hình ảnh nhân viên thân thiện từ việc kéo cửa, nở nụ cười, cúi đầu chào và tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình khi khách hàng cần, nói lời cảm ơn khi khách ra về. Đây là một cách thể hiện nếp văn minh thương mại. Và chính điều đó đã góp phần tạo nên sự hài lòng, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với khách hàng.

Việc kinh doanh hiện nay luôn song hành giữa hình thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, văn minh thương mại trong quan hệ ứng xử trên môi trường trực tuyến cũng là điều đáng bàn. Nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý trong thương mại điện tử liên quan đến việc khách hàng mua sản phẩm có khiếu nại nhưng không được người bán giải quyết hoặc tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn còn xảy ra.

Có thể thấy, xây dựng văn minh thương mại để hướng đến sự phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi cần có sự hợp tác của các bên. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, tạo thói quen tốt cho người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh để đảm bảo hoạt động thương mại được thực hiện theo đúng quy định, chuẩn mực và tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm