Giáo dục

Tin tức

Xây dựng xã hội học tập: Thiết thực, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng và phát huy các mô hình học tập cộng đồng, góp phần nâng cao trình độ học vấn của người dân.
Những điểm sáng
Chư Răng là xã thuần nông của huyện Ia Pa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của phần lớn phụ huynh về công tác giáo dục còn hạn chế. Thực tế đó đã gây không ít khó khăn cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trong việc duy trì sĩ số học sinh.
Cô Mã Thị Duyên-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Từ khi triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, hàng năm, nhà trường đều thực hiện công tác điều tra độ tuổi để huy động học sinh ra lớp; phối hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh vắng học, có nguy cơ bỏ học quay lại trường”. 
Nhờ đó, những năm qua, công tác duy trì sĩ số học sinh của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đạt 99,8%, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98%. Mặt khác, nhà trường không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Hàng năm, 100% viên chức được bồi dưỡng thường xuyên theo các nội dung quy định của ngành; tỷ lệ xếp loại khá, giỏi đạt trên 97%. Nhà trường cũng đã tích cực phối hợp với địa phương tổ chức bình xét “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”…
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) trong 1 tiết học. Ảnh: Trần Dung
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) trong 1 tiết học. Ảnh: Trần Dung
Tỉnh Đoàn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc phối hợp xây dựng xã hội học tập. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong tỉnh tập trung tuyên truyền và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các câu lạc bộ kỹ năng, lớp học nghề và các hội thảo về xây dựng xã hội học tập tại địa phương...
Anh Đỗ Đức Thanh-Trưởng ban Thanh thiếu nhi-Trường học-cho hay: “Để việc triển khai đề án đạt kết quả cao, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện lồng ghép trong chương trình công tác năm. Theo đó, hàng năm, xét tặng gần 20.000 suất học bổng, phần quà dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với các đơn vị kêu gọi hơn 4 tỷ đồng để xây dựng mới 146 điểm vui chơi và hỗ trợ gần 28.000 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”.
Song song với đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn hướng dẫn các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hình thành thói quen đọc sách, trang bị tủ sách măng non cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa. “Phát huy những kết quả đạt được, Tỉnh Đoàn tiếp tục phối hợp và huy động các nguồn lực xã hội trong việc đầu tư trang-thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc học tập và rèn luyện kỹ năng cho thanh thiếu nhi; thành lập các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”-anh Đỗ Đức Thanh thông tin thêm.
Với những thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, vừa qua, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Tỉnh Đoàn là 2 trong 11 tập thể vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập
Hiện toàn tỉnh có 264 cơ sở hoạt động giáo dục thường xuyên; 100% xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng; gần 97.000 hộ đạt tiêu chí “Gia đình học tập” (hơn 82%); 253 dòng họ đạt tiêu chí “Dòng họ học tập” (gần 45%); 1.128 cộng đồng đạt tiêu chí “Cộng đồng học tập” (hơn 78%); 497 đơn vị đạt tiêu chí “Đơn vị học tập” (hơn 67%).

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và phê duyệt Chương trình thực hiện đề án tại địa phương. Đây là cơ sở để các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện đề án đạt kết quả cao nhất.

Theo đó, quy mô đào tạo của tỉnh không ngừng mở rộng và phát triển, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng cao. Công tác phổ cập, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và giữ vững; tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2… Phong trào khuyến học, khuyến tài cũng ngày càng được chú trọng, huy động nguồn lực lớn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Ảnh Trần Đức
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Chư Răng, huyện Ia Pa). Ảnh: Trần Dung
Phát biểu tại hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” vừa được tổ chức mới đây, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh-cho rằng: Công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đúng mức; cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh đến địa phương, từ đó đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã duy trì, củng cố kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, có nhiều sáng tạo trong huy động các nguồn lực phát triển khuyến học, khuyến tài; hệ thống trung tâm học tập cộng đồng phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
“Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: rà soát và triển khai thực hiện những chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến cuối năm 2020 theo đúng các mục tiêu cụ thể đã đề ra; hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương; tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; đa dạng hóa các loại hình giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên cơ sở thực tiễn tại địa phương”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm