Người tiêu dùng TP HCM chọn mua các dòng xe máy điện nhờ chất lượng cao và công nghệ hiện đại hơn trước.
Cuối năm ngoái, hãng VinFast giới thiệu ra thị trường dòng xe máy điện Klara và đã tạo được tiếng vang. Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng "nhảy vào", khiến phân khúc này nhộn nhịp hơn.
Phong phú thương hiệu
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày càng có nhiều cửa hàng, đại lý xe máy điện mọc lên ở TP HCM, bày bán rất nhiều thương hiệu xe máy điện như Terra Motors, Pega Newtech, DK Bike, Honda Vsun, Seeyes Jeek… kiểu dáng khá giống các loại xe scooter nhỏ, chỉ một số giống xe tay ga bình thường. Các cửa hàng đều giới thiệu xe có công nghệ Đức, Ý, Nhật… nhưng hầu hết được sản xuất hoặc nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp.
Ông Thành, chủ cửa hàng kinh doanh xe máy điện tại khu vực đường An Dương Vương (quận 5), cho biết hiện nay, người tiêu dùng chọn mua xe máy điện nhiều hơn so với xe đạp điện. Chất lượng xe máy điện hiện vượt trội so với cách nay khoảng chục năm. "Hồi trước, khi xe đạp điện xuất hiện, thị trường rất sôi động nhưng chỉ một thời gian sau, nhiều người quay lưng với loại xe này vì thường xuyên bị trục trặc, nhất là chất lượng bình điện rất tệ. Còn nay thì khác rồi, xe máy điện không thua gì xe số hay xe tay ga cả" - ông Thành nói.
Nhiều chủ cửa hàng xe máy điện nhận xét gần đây, người tiêu dùng chọn mua dòng xe này khá nhiều do chất lượng và hình thức đáp ứng được thị hiếu, như vận tốc cao, từ 40-60 km/giờ, có thể chạy 50-90 km cho mỗi lần sạc, thậm chí hơn 100 km; chế độ bảo hành dài, từ 2-3 năm; mỗi nhà phân phối đều có khu vực sửa chữa, bảo dưỡng giúp khách hàng yên tâm mỗi khi trục trặc hoặc phải thay thế linh kiện.
Thị trường xe máy điện đang hình thành 2 phân khúc: nhóm thông dụng với giá vừa phải, từ 12 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng/xe và phân khúc cao cấp từ 22 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, còn có nhiều cửa hàng kinh doanh xe đạp điện có giá bán trên dưới 10 triệu đồng/xe nhưng không thu hút người mua do kiểu dáng không phù hợp, chất liệu khung xe, ốp nhựa không chắc chắn. Chế độ bảo hành đối với dòng xe này khá thấp, chỉ vài tháng, thậm chí có cửa hàng không chấp nhận bảo hành cho người mua.
Một cửa hàng xe máy điện mới mở trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) bày bán xe hiệu Niu nhập khẩu từ Thượng Hải - Trung Quốc, nhân viên bán hàng giới thiệu xe này sử dụng động cơ, mô-tơ của hãng Bosch, pin của hãng Panasonic, thuộc dòng xe cao cấp nên giá khá cao, đến 58 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo nhân viên này, đây chỉ giá ưu đãi trong tháng đầu khai trương, qua tháng 5, giá chính thức sẽ lên tới 68 triệu đồng.
Sẽ còn sôi động hơn nữa
Ông Long Pham, Giám đốc Công ty Green Speed Import Export Service Trading - đơn vị phân phối dòng xe máy điện Niu tại Việt Nam, cho rằng ông đưa sản phẩm chất lượng và đẳng cấp này về Việt Nam nhằm đón đầu thị trường, cũng như khẳng định xe máy điện hiện nay không giống những loại xe điện trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại D&T Miền Nam - doanh nghiệp phân phối các dòng xe máy điện hiệu Wuyang Honda nhập khẩu từ Trung Quốc, nhìn nhận thời gian qua, xe điện chất lượng kém đã làm "nát" thị trường này, nay phải làm lại. Do đó, công ty đưa xe máy điện dòng chất lượng cao được phát triển từ Honda và Bosch ra thị trường để tạo dựng lại lòng tin cho người tiêu dùng. Ngoài chất lượng còn phải chú trọng đến dịch vụ hậu mãi chu đáo như bảo hành động cơ, khung sườn 3 năm, bình điện 1,5 năm, bảo hiểm cháy nổ 100%, ứng cứu 24/7. Theo ông Cường, một cửa hàng của công ty ở TP HCM mỗi tháng tiêu thụ khoảng 70 xe máy điện Wuyang Honda, giá bán mỗi chiếc từ 22 - 23 triệu đồng.
Xe máy điện Klara của VinFast ra mắt đã tạo được tiếng vang giúp phân khúc này nhộn nhịp hơn sau một thời gian dài bị bỏ quên |
Theo giới kinh doanh, xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, sắp tới phân khúc xe máy điện sẽ còn sôi động hơn nữa khi các hãng xe máy nổi tiếng chính thức tham gia thị trường. Cụ thể, ngoài VinFast, cuối tháng 3 vừa qua, Honda Việt Nam đã giới thiệu mẫu xe máy chạy điện đầu tiên của hãng PCX Electric trong một sự kiện tổ chức tại Hà Nội. Theo công bố của nhà sản xuất, PCX Electric di chuyển liên tục 60 km với tốc độ duy trì 30-35 km/giờ. Thời gian sạc đầy bình khoảng 6 giờ với bộ sạc tiêu chuẩn. Người sử dụng có thể cắm sạc trực tiếp trên xe hoặc tháo pin để sạc tại nhà. Hãng Piaggio Việt Nam cũng vừa đưa về Việt Nam dòng xe máy điện Vespa Elettrica để chạy thử nghiệm và sẽ sớm bán dòng xe này ra thị trường. Theo tiết lộ, Vespa Elettrica sử dụng mô- tơ điện công suất cao 4 Kw, tương đương 5,4 mã lực nên di chuyển được 100 km, pin có tuổi thọ đến 10 năm. Dòng xe này còn được trang bị công nghệ nhận diện người lái (không cần sử dụng chìa khóa), hệ thống cảnh báo nguy hiểm trên đường.
Trong khi đó, những người có kinh nghiệm mua và đi xe máy điện đánh giá do loại xe này hiện vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, thương hiệu uy tín còn ít nên khi chọn mua, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ. Trước tiên là bộ điều khiển, điều tốc, tức khi tăng tốc phải êm, vì vận tốc tăng từ từ sẽ tiết kiệm điện; ngược lại khi tăng tốc bị giật (ga "hỗn"), vận tốc không đều sẽ làm tiêu tốn điện nhiều, nhanh hết điện. Bên cạnh đó, hệ thống thắng phải được kết hợp đồng bộ ngắt điện khi thắng và khi chạy được tạo đà di chuyển tiếp (ngược lại là linh kiện kém chất lượng). Mô-tơ cũng cần độ ổn định, dòng điện tiêu thụ cho động cơ phải thấp, giúp di chuyển đoạn đường dài hơn vì dòng điện điều tiết không tốt sẽ tiêu hao năng lượng nhiều, mau hết bình điện.
Nguyễn Hải (NLĐO)