Khoa học - Công nghệ

Xe 360

Xe Vespa giữ giá nhất tại Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giá trị một chiếc Vespa, sau 3 năm sử dụng, khi bán lại ít mất giá nhất so với các phương tiện khác, hơn cả ôtô.

Hàng năm, tổ chức nghiên cứu thị trường J.D.Power đều công bố danh sách những dòng xe giữ giá nhất sau 3 năm sử dụng. Tuy nhiên, có một dòng xe giữ giá nhất không bao giờ xuất hiện trong danh sách này, Vespa, chiếc scooter đến từ Italy.

Giống như khi ra đời cách đây hơn 70 năm, Vespa tạo ra giá trị riêng bằng kiểu dáng không giống các dòng xe trên thị trường. Khi đó, xe có khoang chứa đồ hơn 14 lít, trang bị động cơ 3,2 mã lực, giúp xe có thể đạt tốc độ tối đa 64 km/h. Lý do Vespa không được liệt kê trong danh sách xe giữ giá vì nó không phải ôtô.

 
Xe Vespa mang thiết kế đặc riêng biệt, khó lẫn dù ra mắt cách đây hơn 70 năm.
Xe Vespa mang thiết kế đặc riêng biệt, khó lẫn dù ra mắt cách đây hơn 70 năm.




 Trong số 24 dòng ôtô được khảo sát về giá trị bán lại, mức giữ giá trung bình sau 3 năm sử dụng khoảng 55,7%. Trong khi đó, Vespa có giá trị bán lại trung bình khoảng 72,1% trong cùng thời gian sử dụng, cao hơn 16% so với xe ôtô. Với những chiếc scooter thuộc diện hàng sưu tầm, Vespa giữ giá hơn bất kỳ phương tiện giao thông nào.

Hai mẫu Vespa đặc biệt gồm Sprint 150 và GTS 300 giữ giá trị đến 79% sau 3 năm sử dụng. Xe mức độ giữ giá, Vespa làm tốt hơn nhiều so với các mẫu ôtô từ thể thao đến hạng sang trong cùng thời gian sử dụng. Một chiếc bán tải cỡ lớn Dodge Ram 3500 giữ 75% giá trị bán lại sau 3 năm sử dụng, Porsche Cayman/Boxster giữ 58,9% giá trị khi bán lại sau 3 năm hay chiếc 911 đình đám cũng chỉ giữ 58,7% giá trị. Những mẫu ôtô này đều đứng nhóm đầu về giữ giá trong phân khúc.

Tại sau một chiếc scooter lại giữ giá như vậy, giữa muôn vàn lựa chọn xe trên thị trường?

Lý do đơn giản bởi Vespa độc nhất trên thị trường xe máy. Trong khi các thương hiệu xe sang như Porsche, Land Rover hay Mercedes đều nhắm đến khách hàng cao cấp, Vespa lại khác.

"Scooter Italy ở tầm cao hơn những chiếc xe máy thông thường", chủ một showroom kinh doanh xe lớn tại Virginia, Mỹ chia sẻ. "Hầu hết thương hiệu sang trọng, cao cấp đều có đối thủ cạnh tranh, Vespa thì không", doanh nhân Mỹ nói thêm.

Đó là sự thật không thể phủ nhận. Honda, Yamaha hay một số hãng xe khác cũng có sản phẩm ở phân khúc cao cấp. Doanh số của hai hãng xe Nhật Bản cao hơn Vespa tại Mỹ, sản phẩm có giá thấp hơn. Nhưng không hãng xe nào giữ được giá trị bán lại như sản phẩm Italy, sau cùng thời gian sử dụng. Một số hãng xe Đức và Nhật khác cũng có sản phẩm ở phân khúc cao cấp, nhưng đều mất giá hơn Vespa khi bán.

 

Những chiếc Vespa cổ điển, bắt mắt tại Anh.
Những chiếc Vespa cổ điển, bắt mắt tại Anh.


 Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng những mẫu xe ga cỡ lớn dù mang đặc điểm của xe tay ga nhưng không có được đặc trưng như xe Vespa. Chủ tịch câu lạc bộ người sử dụng xe Vespa và Lambretta Mỹ chia sẻ khi cầm lái một chiếc xe tay ga cỡ lớn, một số đặc điểm đặc trưng của scooter mất đi. Người lái có thể đạt vận tốc đến 130 km/h khi đi trên xe tay ga cỡ lớn (dải tốc độ xe thanh thoát, phô diễn nhiều khả năng), nhưng với Vespa đó là một sự đánh đổi. Vespa khó chạy nhanh, nhưng đổi lại có cảm giác thong dong.

Nhiều người khi mua scooter sẽ nghĩ đến những sản phẩm của Vespa, Honda hay Yamaha, nhưng nhiều người chỉ đơn giản cần phương tiện đi lại và họ chọn xe Trung Quốc. Ưu điểm của xe Trung Quốc là giá rẻ, dưới 2.000 USD, tuy nhiên giá trị bán lại gần như bằng không. Kết cục cuối cùng của xe ga Trung Quốc khi người dùng không sử dụng đến là ở các bãi phế liệu.

Vespa thì khác, mang tính thẩm mỹ cao ngay từ thời điểm ra mắt năm 1946. Sự độc đáo của Vespa đến từ kiểu dáng, kết cấu thân xe kim loại nguyên khối giữ nguyên đến hiện tại, thay vì sử dụng nhựa như nhiều hãng xe khác làm. "Vespa ở mức độ hoàn thiện cao nhất so với các sản phẩm từ hãng xe khác. Thiết kế đẹp, các chi tiết hoàn thiện tỉ mỉ", vị chủ tịch câu lạc bộ chơi xe Vespa cho hay.

Chính điều này cũng là nhược điểm của Vespa. Do thân xe liền khối, nên chi phí sửa chữa thay thế sẽ đắt hơn khi đâm đụng. Ngoài ra, nước sơn của xe Vespa được đánh giá cao, nên chỉ vài vết xước nhỏ cũng khiến xe giảm giá trị hàng trăm USD, chi phí phục hồi cũng lớn.

Tại Mỹ, Piaggio hãng xe sản xuất Vespa, ngừng nhập khẩu từ năm 1981 đến 2000. Do xe tay ga vẫn được bán ở nhiều nơi trên thế giới, nên linh kiện có thể dễ dàng tìm mua. Nhiều thương hiệu sản xuất xe ga khác như Lambretta, Cushman, ngừng kinh doanh khách hàng rơi vào cảnh khó tìm linh kiện sửa chữa.



 

Vespa là biểu tượng cho sự lãng mạn tại Italy.
Vespa là biểu tượng cho sự lãng mạn tại Italy.



 Một trong những yếu tố giúp Vespa giữ giá khi bán lại, nằm ở văn hoá do dòng xe tạo ra trong suốt hơn 70 năm qua. "Hình ảnh xe Vespa xuất hiện rất phổ biến trên đường phố Italy và được nhiều bộ phim vô tình ghi lại ở những cảnh quay đời thường", Lenny Sims, phó giám đốc thị phụ trách mảng nghiên cứu thị trường xe máy của tổ chức J.D.Power, chia sẻ.

Vespa trở thành một biểu tượng của sự lãng mạn trong tập phim nổi tiếng "Kỳ nghỉ hè ở Rome" sản xuất năm 1953. Vespa là trào lưu xe tại Anh trong những năm 60 thế kỷ trước, xuất hiện trong nhiều sự kiện văn hoá. Thậm chí, người ta còn sử dụng Vespa như định nghĩa cho các dòng xe tay ga nói chung (như cách người Việt dùng từ Honda để chỉ xe máy). Khách vào cửa hàng Yamaha chọn mua xe tay ga Vino, nhưng sẽ nói "Tôi muốn mua một chiếc Vespa".

Hiện tại, giá của một chiếc Vespa tại Mỹ không rẻ, là thú chơi đòi hỏi sự am hiểu và đam mê. Primavera 50 phân khối có giá gần 3.800 USD. Trong khi đó, Vespa 946 Red có giá niêm yết gần 10.500 USD (sản phẩm thuộc dự án gây quỹ cho phòng trống HIV/AIDS tại châu Phi). Tuy nhiên, khi bỏ ra 3.000 USD để mua xe Vespa, người dùng có thể thu lại 2.700 USD sau 2 năm sử dụng nếu bán. Trong khi đó, nếu bỏ ra 2.000 USD mua một thương hiệu khác, người dùng sẽ không thu lại được bao nhiêu nếu muốn bán xe.

Sự đánh đổi lớn nhất của Vespa nằm ở doanh số. Ví như ở Việt Nam, trong khi Honda chiếm thị phần tới 75%, Yamaha 20% thì Piaggio (hãng sở hữu thương hiệu Vespa) chỉ vài phần trăm. Cùng với đó, hãng phải đối mặt với thách thức những định kiến về chất lượng, chi phí sửa chữa.

Phương Linh (Theo NYtimes/VNE)
 

Có thể bạn quan tâm