Xã hội

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Hướng về miền Nam ruột thịt

“Nhà có mình tôi là con trai, bố mẹ lại già yếu. Vì vậy, tôi không thuộc diện nhập ngũ để vào Nam chiến đấu. Thế nhưng, với lòng yêu nước sục sôi của chàng trai tuổi 21, một ngày tháng 10-1965, tôi đặt bút viết đơn tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc”-ông Hà Huy Cổn (SN 1944, trú tại thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku) mở đầu câu chuyện đời lính của mình như thế.

Thời điểm đó, ông Cổn chỉ mới học hết lớp 7 và phụ trách công tác thanh niên của xã Yên Tân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. 2 tháng sau ngày gửi đơn, nguyện vọng của thanh niên Hà Huy Cổn đã được chấp thuận. Hơn 1 năm tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn 1 (Sư đoàn 320B) ở Hòa Bình, đầu năm 1967, ông cùng đồng đội hăng hái vác ba lô hành quân thẳng tiến vào chiến trường miền Nam.

Ròng rã nhiều tháng trời băng rừng, lội suối, những chàng trai miền Bắc vào đến Kà Tum (tỉnh Tây Ninh). Lúc bấy giờ, ông Cổn được phân công về Tiểu đoàn Thông tin 40 (Cục Tham mưu Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này gọi là Bộ Tư lệnh Miền), đảm trách nhiệm vụ thông tin vô tuyến. “Nhằm cắt đứt liên lạc của quân ta, địch cho máy bay trinh thám quần thảo suốt ngày đêm để đo sóng, phá sóng. Hễ phát hiện là chúng thả bom, khiến ta chịu nhiều thiệt hại. Chưa kể, vì phải làm việc dưới hầm sâu gần 4 m nên vào mùa mưa thực hiện nhiệm vụ cực kỳ vất vả, sóng liên lạc thường xuyên bị nhiễu trong khi anh em sốt rét triền miên”-ông Cổn hồi nhớ.

Khó khăn là thế nhưng với phương châm “chiến đấu dũng cảm, công tác tận tụy, đoàn kết keo sơn, thông tin thông suốt”, ông Cổn cùng cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí dũng cảm, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc. Nhờ vậy đã giúp Bộ Tư lệnh Miền cùng các đơn vị chủ lực giữ vững và mở rộng căn cứ đầu não, giúp cho chiến trường miền Nam thoát khỏi tình thế bị địch vây ép vào đầu năm 1970.

Cựu chiến binh Hà Huy Cổn (bìa phải) và Phạm Ngọc Bốn (xã Trà Đa, TP. Pleiku) kể cho nhau nghe những kỷ niệm buồn vui nơi chiến trường. Ảnh: M.T

Cựu chiến binh Hà Huy Cổn (bìa phải) và Phạm Ngọc Bốn (xã Trà Đa, TP. Pleiku) kể cho nhau nghe những kỷ niệm buồn vui nơi chiến trường. Ảnh: M.T

Ngồi cạnh bên, cựu chiến binh Phạm Ngọc Bốn (SN 1943, trú tại thôn 4, xã Trà Đa) chăm chú lắng nghe câu chuyện đồng đội kể. Thỉnh thoảng, ông Bốn lại gật gù tỏ ý tán đồng. Sinh ra tại huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), như bao thanh niên miền Bắc yêu nước khác, tháng 8-1967, ông Bốn xung phong lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt. Khi đó, ông vừa học hết lớp 10.

Được biên chế về Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn), ban đầu, ông Bốn đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển phương tiện (xe các loại) từ Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) về tỉnh Quảng Bình, sau đó giao lại cho các đơn vị đưa vào miền Nam phục vụ kháng chiến. Đến năm 1968, ông cùng đồng đội bắt đầu tiến sâu hơn theo đường mòn Hồ Chí Minh, lái xe chở theo hàng hóa, lương thực, vũ khí, quân dụng… với số lượng lớn để chi viện cho miền Nam. “Hồi đó chủ yếu là giao tại các trạm, xong lại quay đầu về để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo. Địch ngày càng tăng cường lùng sục, đánh phá ác liệt hơn nên các chiến sĩ Trường Sơn chúng tôi vừa là người lính vận tải, vừa lại là chiến sĩ bộ binh, công binh…”-ông Bốn kể.

Khác với tâm thế của những người lính xứ Bắc, cựu chiến binh Mai Văn Thanh (SN 1957, trú tại tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) lại ủng hộ cách mạng miền Nam bằng việc góp sức vào công cuộc giải phóng quê hương Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Ngày ấy, thôn Phú Mỹ (xã Bình Phú, nay là Tây Phú) nơi gia đình ông sinh sống là ấp chiến lược của Mỹ-ngụy. Vì vậy, việc hoạt động cách mạng của bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn. “Cha tôi khi đó trong vai người chèo đò nhưng thực chất nhiệm vụ chính là đưa cán bộ, bộ đội của ta qua sông; chở gạo, lương thực tiếp tế cho cách mạng. Gia đình còn có hầm bí mật dành để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Sau khi bị địch phát hiện, cha tôi bị đày ra Côn Đảo, đến khi có chính sách trao trả tù binh mới được trở về”-ông Thanh nhắc nhớ.

Năm 15 tuổi, khi đang học lớp 8, ông Thanh quyết định “nhảy núi” thoát ly theo cách mạng. Lý do được gia đình ông đưa ra để che mắt địch là “thằng Thanh đã bị cộng sản bắt đem đi”. Được tổ chức phân công làm giao liên, với kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch cùng gia đình ngày trước, ông Thanh đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đầu năm 1975, ông Thanh tham gia lực lượng giải phóng quân địa phương, dẫn đường cho bộ đội chủ lực đồng loạt tấn công tiêu diệt các cụm phòng thủ của địch trên địa bàn; đồng thời, chặn đầu, diệt gọn quân địch tháo chạy từ An Khê xuống dọc theo quốc lộ 19; góp phần giải phóng toàn huyện Tây Sơn vào ngày 31-3.

Nghĩa tình đồng đội

Tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc, những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi mạnh mẽ, luôn vững chí, bền gan trước kẻ thù lại không ít lần rơi nước mắt vì đồng đội. Dẫu biết chiến tranh không tránh khỏi hy sinh, song với họ đó là mất mát khó có thể xoa dịu trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Bốn trầm ngâm kể: Năm 1974, tôi cùng anh em trong đơn vị trên đường lái xe vận chuyển đạn và lương thực đưa đến trạm tiếp nhận (thuộc địa phận Attapeu, Lào). Nghe thấy tiếng báo động có máy bay địch, chúng tôi nhanh chóng nhảy xuống giao thông hào để ẩn tránh. Ngay sau đó là một trận bom dội mù mịt, trong đó có 1 quả rơi xuống phía trước khiến tôi bị vùi lấp sâu bên dưới. Lúc tỉnh lại, tôi đã nằm trong bệnh viện. Qua lời của đồng đội, tôi mới biết người đồng chí bới đất cứu tôi khi ấy đã hy sinh sau khi được đưa về trạm xá. Nghe tin mà tim tôi quặn thắt, đau đớn khôn cùng!

Sau 3 tháng điều trị, vì sức yếu không đảm bảo nhiệm vụ trên chiến trường nên ông được chuyển về xưởng đại tu ô tô cho đến ngày giải phóng. Hòa bình lập lại, ông Bốn đôi lần trở ra phố Khâm Thiên (Hà Nội) để tìm gia đình của ân nhân nhưng không có kết quả. “Tôi vẫn còn nợ anh ấy một lời cảm ơn, nợ gia đình anh một lời tri ân. Ngay cả việc thắp nén hương lên mộ anh đến giờ tôi cũng chưa làm được”-ông Bốn nghẹn ngào.

Ông Mai Văn Thanh cũng không thể nào quên nghĩa tình đồng đội trong cuộc chiến. Trong đó, ông nhớ nhất là lúc bị địch phục kích vào một đêm năm 1974 khi cùng đội du kích xã Bình Phú đi vận chuyển lương thực. “Sau khi nhận hàng, anh em chúng tôi vội vã lên đường trở về căn cứ. Nhất cử nhất động đều vô cùng cẩn trọng. Đi được nửa đường thì địch bất ngờ phục kích, rất may chúng tôi đã có sự phòng bị từ trước nên không có thiệt hại về người. Tôi bị thương và được anh em thay nhau dìu về trạm xá chữa trị kịp thời”-ông Thanh bộc bạch.

Cựu chiến binh Mai Văn Thanh (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) kể lại thời gian “nhảy núi” tham gia cách mạng của mình. Ảnh: M.T

Cựu chiến binh Mai Văn Thanh (tổ 6, phường Ia Kring, TP. Pleiku) kể lại thời gian “nhảy núi” tham gia cách mạng của mình. Ảnh: M.T

Theo chia sẻ của các cựu chiến binh, chính nghĩa tình đồng đội và những mất mát to lớn trong kháng chiến đã tiếp thêm sức mạnh để mỗi người lính hoàn thành nhiệm vụ. Ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ông Cổn, ông Bốn và ông Thanh đều đang đảm nhận những nhiệm vụ tại nhiều địa điểm khác nhau. Thế nhưng, họ đều có chung cảm xúc vỡ òa sung sướng khi giang sơn một mối thu về. Những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc đã không ngừng rơi trên gương mặt lấm lem khói súng của những chàng trai trẻ đã gửi trọn tuổi xuân nơi chiến trường.

“Trên chiến hào cùng nhau chia lửa, lúc khó khăn cùng giúp đỡ sẻ chia, trong hoạn nạn quên mình cứu đồng đội, trong vinh quang cùng chia ngọt sẻ bùi”. Đó là những phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện tình đồng đội cùng vào sinh ra tử. Chiến tranh đã lùi xa 49 năm nhưng nghĩa tình đồng đội giữa những người từng một thời “chia bom, sẻ đạn” vẫn luôn còn mãi qua câu nói ấy. Dù sinh ra ở những vùng đất khác nhau, song cả ông Bốn, ông Cổn, ông Thanh đều chọn mảnh đất Pleiku đầy nắng gió làm nơi gắn bó. Tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các ông lại cùng nhau chung tay, góp sức dựng xây quê hương; trở thành những tấm gương sáng cho con cháu và cộng đồng. Ông Bốn là một trong những cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của xã Trà Đa nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung; còn ông Cổn và ông Thanh cũng góp sức cho địa phương bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa.

*

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, những người đi qua cuộc chiến lại thấy xúc động, tự hào khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng sớm. Hơn ai hết, họ là những người trân quý độc lập, tự do và quyết tâm giữ gìn điều thiêng liêng ấy.

Có thể bạn quan tâm