Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Nhiều bị cáo ân hận, xin lỗi người bị hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Trần Thị Mỹ Dung và Bùi Anh Dũng bày tỏ ân hận về việc đã làm, nói lời xin lỗi tới hàng chục nghìn người bị hại.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 8/10/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 8/10/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 9/10, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB) bị cáo buộc đã cùng các bị cáo khác giúp sức cho Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phát hành gói trái phiếu tại Công ty Setra, chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Ngoài ra, Dung còn bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan rửa hơn 69.000 tỷ đồng.

Với hành vi này, Dung bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt mức án 14-16 năm tù về tội “Rửa tiền” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bào chữa cho Trần Thị Mỹ Dung, luật sư Nguyễn Thành Công cho biết đối với tội “Rửa tiền,” bị cáo thừa nhận, không biện minh.

Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến gói trái phiếu do Công ty Setra phát hành, bị cáo được xác định đã tham gia cuộc họp phát hành trái phiếu và chỉ đạo bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Ngân hàng SCB, khi đó đang là Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành) hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền “khống,” hạch toán trên hệ thống Ngân hàng SCB.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thành Công lập luận thời điểm thực hiện gói trái phiếu tại Công ty Setra, bị cáo Dung chưa giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ mà giữ chức Phó Giám đốc khối tái thẩm định Ngân hàng SCB. Chức vụ này có thẩm quyền hạn chế hơn rất nhiều so với chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ, do đó hành vi của Dung so với các bị cáo khác là ngang hàng nhau, không thể nói Dung chỉ đạo nhóm còn lại.

Theo luật sư Công, lỗi duy nhất của Dung là đã gửi một tin nhắn vào nhóm trao đổi của Công ty trên ứng dụng Telegram để truyền đạt lại ý kiến lãnh đạo sau cuộc họp với bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), còn bản thân Dung không chỉ đạo bất kỳ ai, không biết về việc phát hành trái phiếu Setra.

Tự bào chữa cho bản thân, Trần Thị Mỹ Dung cho biết ban đầu bị cáo rất “sốc” khi nhận quyết định khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền.” Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, bị cáo được giải thích rõ ràng nên đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

Trần Thị Mỹ Dung trình bày bị cáo không tham gia vào việc lên kịch bản chạy dòng tiền mà chỉ sai phạm khi tiếp nối hành vi này bằng cách truyền đạt chỉ đạo của cấp trên tới các đơn vị kinh doanh thông qua một nhóm chat.

Dung khai việc phát hành trái phiếu và kịch bản chạy dòng tiền vốn đã diễn ra từ trước, được nhân viên, lãnh đạo Ngân hàng SCB thực hiện “như một thói quen” chứ không phải chủ trương của bị cáo.

Dung cho rằng nếu bị cáo không nhắn tin truyền đạt ý kiến của lãnh đạo trong nhóm chat Telegram thì việc phát hành trái phiếu và giao dịch các dòng tiền vẫn sẽ được các đơn vị liên quan tiến hành.

Bằng chứng là trong cáo trạng có nêu bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty SPG) phối hợp bị cáo Bùi Anh Dũng và những người liên quan chuyển tiền mua trái phiếu.

Còn về nhóm chat Telegam được nhắc đến, Dung cho biết là do chính bị cáo lập ra, nhưng là để trao đổi công việc kinh doanh chứ không phải để trao đổi liên quan trái phiếu.

Trần Thị Mỹ Dung bày tỏ ân hận về những việc đã làm, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người bị hại, khiến hàng chục đồng nghiệp rơi vào vòng lao lý, còn bản thân bị cáo phải đối mặt với mức án hàng chục năm tù.

Dung cho biết bản thân nhận thức được việc truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng SCB giúp Công ty Setra phát hành thành công trái phiếu là sai lầm, phải trả giá nhưng “cái giá bị cáo phải trả là quá đắt.”

Trần Thị Mỹ Dung xin Hội đồng Xét xử xem xét lại vai trò bị động, quyền hành hạn chế của bị cáo đối với việc phát hành trái phiếu bởi trong việc này bị cáo không có quyền quyết định, chỉ đạo và thậm chí không có quyền hỏi các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Dung xin một mức án thấu tình đạt lý, nhân văn để sớm trở về với con, với gia đình.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) bị cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành gói trái phiếu của Công ty Setra và rửa tiền 712 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Dũng 10-12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền.”

Tại tòa, bị cáo Bùi Anh Dũng nói lời xin lỗi tới gần 36.000 người bị hại, trong đó có cả người thân của mình trong vụ án này.

Dũng nói quá trình điều tra, xét xử đã làm rõ bản chất vụ án nên bị cáo không có ý kiến tranh luận về tội danh bào chữa cho bản thân. Dũng cho biết sẽ “chấp nhận tất cả” hình phạt dành cho mình.

Tuy nhiên, Dũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong vụ án, đặc biệt là hai bị cáo cấp dưới Nguyễn Thị Thúy Ái và Thái Thị Thanh Thảo vì có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất, phải nuôi con nhỏ.

Bào chữa cho Nguyễn Vũ Anh Thi (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận) với hai tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” luật sư Nguyễn Minh Anh đề nghị đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử đánh giá lại tính chất, mức độ hành vi phạm tội do Thi gây ra để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới,” luật sư cho biết Thi với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Quang Thuận, bị cáo có ký các tài liệu hồ sơ nhưng hoàn toàn bị động, không biết các nội dung hợp đồng là “khống.”

Bên cạnh đó, các hợp đồng của Công ty VPID ký với Công ty Blue Pearl để Công ty Blue Pearl chuyển đi nước ngoài cho Công ty Leader Vission hoàn toàn không được bị cáo nắm kỹ hồ sơ.

Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem lại có cần thiết áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức” đối với bị cáo hay không.

Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 8/10/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 8/10/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” luật sư cho rằng về mặt nhận thức bị cáo Thi có ký các tài liệu phục vụ cho việc mua bán trái phiếu nhưng bị cáo không nhận thức được các tài liệu đó là tài liệu “khống,” không biết mục đích phát hành trái phiếu và không được tham gia, họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu. Do đó, vai trò của bị cáo có phần hạn chế, không đáng kể.

Bào chữa cho Trần Thị Hoàng Uyên (cựu thư ký của Trương Mỹ Lan), luật sư cho biết bị cáo là người giúp việc nhà cho gia đình Lan, tuy nhiên để Uyên “nở mày, nở mặt” với người thân nên bị cáo Lan đã cho Uyên chức danh thư ký. Về cơ bản, Uyên vẫn chỉ là người giúp việc nhà cho Trương Mỹ Lan, làm mọi việc theo chỉ đạo của Lan mà không biết đấy là hành vi phạm tội, không biết tài sản do phạm tội mà có.

Bị cáo Uyên làm theo chỉ đạo một cách máy móc, không có ý thức gì về việc “hợp thức hóa dòng tiền bẩn”.

Chính bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xác nhận Uyên là người giúp việc, làm những việc lặt vặt, không hề biết gì về số tiền hơn 5.824 tỷ đồng đã nhận từ các bị cáo khác.

Luật sư xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo Uyên hưởng một mức án khoan hồng hơn.

Theo Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm