Kinh tế

Doanh nghiệp

Xí nghiệp Chế biến mủ Kdang: Sáng kiến làm lợi 3 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu tháng 5, Xí nghiệp Chế biến mủ Kdang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) đã cải tiến thành công dây chuyền chế biến mủ SVR10 theo quy trình cán rút gọn. Cải tiến kỹ thuật này đã làm lợi cho Công ty gần 3 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Tâm-Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp, chủ đề tài sáng kiến-cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, Xí nghiệp đã tạo được uy tín và thương hiệu trên thị trường chế biến mủ khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, nhiều đơn vị trong ngành đã thuê gia công sản phẩm theo yêu cầu. Tổng hợp đồng gia công trong một năm lên đến 5.000 tấn, đó là chưa kể chế biến sản lượng mủ của Công ty khoảng 1.500 tấn. Tuy nhiên, dây chuyền hiện nay của nhà máy chỉ chế biến được khoảng 3.000 tấn/năm. Theo đó, Công ty đã đưa ra giải pháp mua thêm 1 dây chuyền chế biến mủ SVR10 với chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Song trên thực tế, giá mủ liên tục xuống thấp do dịch Covid-19, việc đầu tư một dây chuyền mới là khó khả thi vì sẽ đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh trên thị trường. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công ty đã giao đội ngũ kỹ thuật của nhà máy tìm những giải pháp tối ưu để nâng cao công suất và chủ động trong sản xuất, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.
Khi nhận nhiệm vụ đầy khó khăn này, ông Trần Hữu Tâm đã cùng với đội ngũ kỹ thuật ngày đêm nghiên cứu để cải tiến dây chuyền sản xuất. Sau hơn 1 tháng miệt mài, Xí nghiệp đã trình bày với lãnh đạo Công ty về giải pháp cải tiến dây chuyền. Nhận thấy phương án cải tiến an toàn, giá thành giảm mạnh và nhiều ưu điểm, lãnh đạo Công ty đã đồng ý cho Xí nghiệp triển khai dự án.
Dây chuyền chế biến mủ của Xí nghiệp vừa được cải tiến. Ảnh: H.Đ.T
Dây chuyền chế biến mủ của Xí nghiệp vừa được cải tiến. Ảnh: H.Đ.T
Theo Phó Giám đốc Xí nghiệp, dây chuyền sản xuất theo quy trình cán rút gọn có nhiều ưu điểm như: tạo khoảng trống dễ thao tác sản xuất; chạy song song 2 hệ thống, tăng 80-100% công suất chế biến, tiết kiệm 75 kw/tấn sản phẩm. Ngoài ra, chi phí đầu tư thấp (chỉ khoảng 200 triệu đồng), không phải đầu tư thêm thiết bị, mặt bằng trạm hạ áp; giảm sức lao động và giảm lượng nước sử dụng trong quá trình chế biến. Việc cải tiến dây chuyền này đã làm lợi cho Công ty gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm còn giúp tiết kiệm hơn 500 triệu đồng tiền điện.
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-khẳng định: Việc đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất là đòn bẩy tạo động lực phát triển. Do vậy, Công ty luôn chú trọng đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Những năm qua, hoạt động này của Công ty khá sôi động, trong đó tập trung vào nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu. Nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị đã được ứng dụng vào sản xuất. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của Xí nghiệp Chế biến mủ Kdang đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là sáng kiến cải tạo máy cán 4 cặp trục thành máy 6 cặp trục. Nếu mua 1 bộ máy cán mới thì giá khoảng 400 triệu đồng, nhưng chi phí cải tiến chỉ mất 20 triệu đồng. Cải tiến này đã giúp chất lượng tờ mủ cán tốt hơn, loại bỏ tạp chất, tờ mủ đẹp hơn. Tiếp đó là sáng kiến cải tiến lại toàn bộ hệ thống tháp khử mùi tại phân xưởng SVR10-20 giúp khử và giảm được 70% mùi hôi phát tán ra môi trường. Đặc biệt, mới đây, Xí nghiệp đã cải tiến thành công dây chuyền cán rút gọn, làm lợi cho Công ty gần 3 tỷ đồng.
Chính từ những cải tiến kỹ thuật nói trên mà chất lượng mủ của Công ty ngày càng tăng. Ngoài việc chế biến mủ của Công ty, Xí nghiệp đã được nhiều đơn vị hợp đồng gia công chế biến mủ, nhờ vậy mà ngay trong mùa nghỉ cạo, thu nhập của công nhân vẫn không giảm sút.
HÀ ĐỨC THÀNH

Có thể bạn quan tâm