Năm 2018, du lịch Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, dự kiến tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt 620.000 tỷ đồng.
Đây được xem là dấu mốc quan trọng của ngành trong năm, góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Ảnh: Tấn Ba |
Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao
Nói đến du lịch, một trong những vấn đề được coi là mấu chốt chính là sản phẩm. Câu chuyện xây dựng có chiến lược về sản phẩm như thế nào để du khách có thể “ở sâu, vào lâu, ra chậm” đã được đưa ra bàn bạc trong nhiều cuộc hội thảo và được tổng kết để xây dựng chiến lược của ngành công nghiệp không khói. Cụ thể, theo đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, định hướng ưu tiên phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó xác định tiếp tục phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, với nhiều giải pháp về sản phẩm du lịch. Cụ thể là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng thị trường và dựa trên thế mạnh của du lịch Việt Nam với yêu cầu chất lượng tầm cỡ quốc tế, có giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích kinh tế lớn. Trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch luôn hướng tới hạn chế tối đa việc khai thác, xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên và khai thác các sản phẩm dưới dạng “thô”, ít đem lại các giá trị về kinh tế, không phát huy được các giá trị tài nguyên. Các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam gắn với nhu cầu thị trường được hình thành ngày càng rõ nét, tiêu biểu là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch trải nghiệm, thụ hưởng các sản phẩm văn hóa đặc sắc Việt Nam; du lịch vui chơi, giải trí cao cấp, thông minh và du lịch khám phá sinh thái độc đáo…
Thay vì hướng tới số lượng, một số nước trên thế giới đã thay đổi định hướng nhắm tới dòng khách có chất lượng cao. Du lịch Việt Nam cũng đang bắt nhịp xu hướng này. Các điểm du lịch như Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… đã và đang trở thành hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, là động lực cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Vì thế, việc khai thác hiệu quả luôn đi cùng với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn. Không chỉ các điểm đến nổi bật mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch sát sao hơn nữa trong việc nâng cao trách nhiệm của địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân, thông qua việc ban hành một loạt các văn bản mang tính định hướng. Cụ thể như bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch, bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và các kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch và quản lý điểm đến du lịch…
Gỡ bài toán về “tour 0 đồng”
Bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành công nghiệp không khói trong năm qua thì câu chuyện về “tour 0 đồng”, du lịch giá rẻ giống như một “ngáo ộp” khiến cho hình ảnh du lịch của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Bộ VH-TT-DL xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ đối với các hoạt động du lịch, nhất là đối với tour du lịch giá rẻ. Trên cơ sở thực tiễn và ý kiến của các địa phương, từ giữa năm 2017, bộ đã có báo cáo Chính phủ về hiện tượng tour du lịch giá rẻ xảy ra tại các địa phương, đánh giá phân tích và đề ra những giải pháp ban đầu để hạn chế những tiêu cực của loại hình du lịch này.
Đến nay, đã có nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể xử lý nghiêm các sai phạm của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, người nước ngoài trong hoạt động kinh doanh du lịch nói chung cũng như tổ chức chương trình du lịch giá rẻ. Tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số địa phương, thanh tra chuyên ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành như công an, quản lý thị trường, thuế đã phối hợp xử lý như đóng cửa các cửa hàng mua sắm khép kín, có hành vi vi phạm pháp luật, buộc xuất cảnh những đối tượng người nước ngoài lao động bất hợp pháp, sai mục đích nhập cảnh, thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thu thẻ hướng dẫn viên theo quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm.
Song song với đó, ngành du lịch cũng xác định rõ việc quản lý tour du lịch giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho Nhà nước. Điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành, có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam. Việc ngăn chặn sự thất thoát về kinh tế trong hoạt động kinh doanh tour giá rẻ đòi hỏi sự quản lý liên ngành chặt chẽ, đồng bộ nhất là của ngành thuế, quản lý thị trường, quản lý ngoại hối, đầu tư.
Vì vậy, để xử lý, ngăn chặn mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ, toàn ngành tập trung vào một số giải pháp như: nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài; kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm pháp luật về kinh doanh lữ hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷc USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp…Bao trùm lên tất cả, phát triển “du lịch bền vững”, “du lịch xanh” là hướng đi chính trong tương lai, qua đó thể hiện quan điểm chỉ đạo và tổ chức hành động có tính nhất quán, xuyên suốt.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL
(theo sggp)