Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Xoang đám ma của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nói đến xoang Tây Nguyên, một số người sẽ liên tưởng đến việc nhiều người cùng nắm tay tạo thành vòng tròn, nhún nhảy theo nhịp chiêng, hòa trong không khí vui tươi, nhộn nhịp. Tuy nhiên, người Bahnar còn có xoang đám ma với mục đích chia buồn với gia đình có người qua đời.

Theo ông Vên-già làng Piơm (thị trấn Đak Đoa), cồng chiêng và xoang luôn gắn chặt trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng của người Bahnar. Trong những ngày có lễ hội hoặc khi có chuyện buồn, tiếng chiêng lại vang lên, điệu xoang uyển chuyển, nhịp nhàng được tiếp nối.

Tùy từng trường hợp, người dân sẽ lựa chọn những điệu chiêng, điệu xoang phù hợp để thể hiện. Chẳng hạn, trong dịp lễ hội, các chàng trai cô gái cùng nhau nắm tay múa xoang, tâm trạng vui tươi, háo hức. Còn khi có chuyện buồn như đám ma thì lại khác, tiết tấu chiêng, múa xoang cũng chậm hơn, nhẹ nhàng hơn như thể hiện nỗi đau của sự chia ly.

Nét buồn luôn hiện hữu trong điệu xoang đám ma. Ảnh: A.D

Nét buồn luôn hiện hữu trong điệu xoang đám ma. Ảnh: A.D

Già làng Vên cho biết: “Khi xoang đám ma, không ai mặc quần áo đẹp, đầu thường cúi xuống, vừa xoang vừa khóc. Cũng có thể đánh chiêng, múa xoang thâu đêm nhưng không có tiếng hú, hò reo. Điệu xoang này nhằm giúp gia đình vơi đi nỗi buồn đau khi mất người thân”.

Xoang đám ma của người Bahnar luôn hướng về nỗi đau của gia đình có người thân qua đời, được xem là cách chia buồn sâu sắc với tang quyến. Bởi vậy, xoang đám ma có những quy định như: khi xoang không được trò chuyện, cười nói, reo hò, tất cả đều cúi mặt xuống; khi muốn tham gia xoang thì người đó tự chủ động đến với vòng xoang, không lôi kéo nhau, hết hồi chiêng thì lặng lẽ giải tán... Từ những quy định này, ở một số vùng, trong đám tang, các chàng trai, cô gái không được nắm tay xoang chung.

Bà Phom (làng Tuơh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Trong lễ bỏ mả, các chàng trai cùng hòa vào vòng xoang rất vui. Tuy nhiên, trong đám tang thì các chàng trai không được xoang chung, chỉ ngồi nhìn các cô gái xoang thôi. Còn các cô gái thì khi xoang không được nở nụ cười, không ngẩng đầu lên... đến khi tiếng trống báo hiệu hết vòng xoang thì lẳng lặng giải tán, không gây ồn ào”.

Người Bahnar cho rằng, nếu trong đám tang mà không có tiếng chiêng, không múa xoang thì gia đình, họ hàng càng thêm đau xót, nỗi đau sẽ kéo dài và gia đình cảm thấy như chưa hoàn thành bổn phận với người đã khuất. Vì vậy, trong tất cả đám tang của người Bahnar xưa kia luôn tổ chức đánh chiêng và múa xoang. Bên cạnh đó, tiếng chiêng và múa xoang trong đám tang còn thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng.

Và, nói như ông Suck-một người am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar ở thị trấn Đak Đoa thì: “Khi nghe tiếng trống báo hiệu có người mất thì cộng đồng buôn làng cùng đến chia buồn, đánh chiêng và xoang. Vòng xoang lúc này nhằm an ủi, chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình có người mất, mọi người cùng nhau thức thâu đêm, tiếng chiêng sẽ vang mãi đến sáng, không ai rời đi trong đêm tang như là một cách thể hiện tình đoàn kết”.

Có thể bạn quan tâm