Bạn đọc

Xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông:Cần biện pháp mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, tình trạng tham gia giao thông khi đã uống rượu bia diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhưng việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn chưa bao giờ là dễ dàng. 
Liều lĩnh vượt chốt
Trên tuyến quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn huyện Phú Thiện (Gia Lai), thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đã triển khai khá nhiều biện pháp được xem là “mạnh tay” nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện chuyển biến không đáng kể. Một buổi tối giữa tháng 5, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của đội CSGT Công an huyện Phú Thiện, P.V đã chứng kiến nhiều trường hợp đâm xe trực diện vào tổ công tác để né tránh hoặc rồ ga bỏ chạy với tốc độ cao...
Tại chốt kiểm tra này, tổ công tác đã phát hiện nhiều trường hợp có nồng độ cồn cao... ngất ngưởng. Điển hình là trường hợp của anh Ksor Thanh (SN 1975, trú tại xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) điều khiển xe máy BKS 81T3-5670. Sau khi dừng xe và thực hiện kiểm tra đối với anh Thanh, tổ công tác xác định nồng độ cồn đạt mức 1,538 miligam/lít khí thở, gấp hơn 6 lần so với giới hạn cho phép. Khi bị CSGT tạm giữ xe và lập biên bản vi phạm, anh Thanh mới hối hận: “Do hôm nay về nhà cha đẻ, mọi người mời uống rượu ghè nên mình làm vài cang. Nhà mình trước giờ làm chỉ đủ ăn, giờ lấy đâu ra tiền để nộp phạt mấy triệu đồng?”.
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trên các tuyến đường. Ảnh: V.N
Tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT số 1 quốc lộ 14 (Phòng CSGT Công an tỉnh) trên đường Trường Chinh, đoạn qua địa phận xã Chư Hdrông (TP. Pleiku) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Khi phát hiện CSGT lập chốt, hàng chục trường hợp đã thắng gấp rồi quay đầu bỏ chạy ngay trong làn đường 1 chiều tạo ra nhiều tình huống cực kỳ nguy hiểm cho chính chủ phương tiện cũng như những người tham gia giao thông. Thậm chí, có trường hợp còn điều khiển xe tông thẳng vào các chướng ngại vật mà CSGT dùng để lập chốt và tẩu thoát bằng mọi giá. Nhiều “ma men” khi bị lực lượng CSGT kiểm tra thì khóc lóc, van xin đủ kiểu. Không ít trường hợp có nhận thức cao về vấn đề này nhưng vẫn vi phạm vì không thể từ chối những chén rượu mời. Bị tổ công tác lập biên bản xử phạt với mức nồng độ cồn 0,275 miligam/lít khí thở, anh Hoàng Anh Quốc (SN 1988, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) bày tỏ: “Tôi làm nhân viên tiếp thị, khi đi gặp khách hàng người ta mời thì không thể không uống. Cũng biết uống rượu bia khi tham gia giao thông là rất nguy hiểm nhưng do cả nể và muốn giữ mối làm ăn nên tôi lỡ vi phạm”.
Cần những biện pháp mạnh
Trung tá Nguyễn Minh Tuấn-Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1 quốc lộ 14-cho hay: Các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều có muôn vàn lý do để bao biện cho hành vi của mình. Đa số các trường hợp này đều không làm chủ được hành vi do bia rượu dẫn đến việc bất hợp tác, đôi khi chống đối lực lượng chức năng. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ khi tham gia tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn phải vừa kiên quyết vừa khéo léo, nếu không sẽ tạo ra điểm nóng. Theo Trung tá Tuấn, trước sự manh động của những “ma men”, để xử lý hiệu quả hơn tình trạng này cần có sự tăng cường của nhiều lực lượng để cùng phối hợp với CSGT, bởi lực lượng đông đảo sẽ hạn chế việc các tài xế bỏ chạy, né tránh chốt kiểm tra.  
Bên cạnh đó, Trung tá Tuấn cũng đề xuất các lực lượng chức năng cần xử lý quyết liệt, không cả nể, châm chước ngay cả với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bởi hậu quả gây ra do tham gia giao thông khi đã uống rượu bia sẽ lớn hơn rất nhiều so với mức tiền xử phạt. “Phải có chế tài đủ mạnh, nghiêm khắc thì việc răn đe mới hiệu quả, từ đó hạn chế tình trạng tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, cũng cần cải cách khâu xử lý vi phạm hành chính để việc xử lý đơn giản, hiệu quả hơn”-Trung tá Tuấn nhấn mạnh.
Tại địa bàn được xem là “điểm nóng” về tình trạng các “ma men” điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, Đại úy Phùng Mạnh-Phó Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Thiện-thừa nhận: Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn vẫn gặp khó. Để hạn chế tối đa tình trạng này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông cũng nên thay đổi dần nhận thức với phương châm đã uống rượu bia thì không lái xe.
 VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm