Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Xuân này nhớ Bác!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bác Hồ đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa cao đẹp và phong phú, trong đó không thể không nhắc tới những tư tưởng chỉ đạo của Người về xây dựng một nền văn hóa mới: Dân tộc, khoa học và nhân văn, một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “làm cho ai cũng có lý tưởng, độc lập, tự chủ”, “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ”, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”... Hình ảnh của Bác Hồ trường tồn mãi với thời gian. Người dân Việt Nam thật tự hào khi có Bác.

Ảnh: Tư liệu

Nhà báo G.La-cu-tuya- người được coi là một nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh hay nhất ở phương Tây, đã viết: “Đó là một tâm trí minh mẫn, ít ham thích bạo lực, một thái độ rất độc đáo về quan hệ giữa người với người, một trình độ văn hóa tự học khá rộng và rất thông hiểu, một tinh thần hài hước, trong đó bám rễ vào các tập quán châu Á luôn luôn kết hợp với những ảnh hưởng phương Tây, một tinh thần thanh bạch, một sự khắc khổ tự nhiên được ý chí làm cho vững chắc thêm lên, một nghị lực có một không hai”. Còn nhà báo Vê-nê-xu-ê-la khẳng định rằng: "...Duy chỉ có Bác Hồ, do tấm gương cuộc đời và đạo đức của Người, đã làm cho những kẻ chuyên nghề vu cáo phải kính nể”.

Cuộc đời của Bác Hồ, hạnh phúc nhất là mang lại cuộc sống no ấm, yên vui cho muôn nhà. Một lần nói với đồng chí Hoàng Đạo Thúy, Bác tâm sự: “Người ta ai cũng là người, ai cũng có vui, có buồn... Với anh em, đồng chí, đồng bào, tôi cố giữ cho mình được vui...”. Chính ý nghĩ ấy của Bác, mỗi năm Tết đến, Xuân về, đồng bào lại được ấm áp, vui tươi hơn khi có Bác. Đặc biệt, những bài thơ Xuân giản dị mà thiêng liêng của Bác đã đi vào đời sống tình cảm của nhân dân ta, tạo nên sự phấn chấn và xác lập tâm thế vững vàng cho các giới, các ngành và toàn xã hội trước ngưỡng cửa mùa Xuân của đất trời và mùa Xuân của cuộc đời. Từ Xuân 1942 đến Xuân 1969, Bác Hồ đã có tất cả 22 bài thơ Xuân chúc Tết đồng bào. Đã qua đời hơn bốn mươi năm, chúng ta vẫn mong muốn được đọc, được nghe những bài thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác. Là bởi, được nghe Bác Hồ đọc thơ Tết là nhận một món quà Xuân, nhận một nguồn động viên lớn, chung cho toàn dân và riêng cho mỗi người.

Tết Canh Dần sắp đến, đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài không còn được nghe Bác đọc thơ chúc Tết phút giây trừ tịch. Tuy nhiên, tình cảm của mọi người dành cho Bác sẽ không bao giờ phai nhạt. Tư tưởng và sự nghiệp văn hóa của Người đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng. Một nhà văn nước ngoài đã viết: Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành bất diệt trong ý thức của hàng triệu người. Lần đầu tiên trên thế giới, người ta được thấy một vị chủ tịch của một Đảng Cộng sản đã kết hợp chặt chẽ văn chương với chính trị, thơ ca và những con số.

Trung Nhân

Có thể bạn quan tâm