Khám phá

Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một ngôi làng nghèo có tiếng, làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) đang từng ngày thay da, đổi thịt. Cái Tết với họ đã trở nên no ấm, tươm tất hơn khi đã không còn phải chạy ăn từng bữa.

Ea Lũh là một trong 2 ngôi làng hiếm hoi của người Xê Đăng tại Gia Lai. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt duy nhất với ngôi làng lọt thỏm trong bát ngát nương chè này. Ea Lũ thơ mộng với những hàng đào khoe sắc, những đồi chè uốn lượn xanh mơn mởn, những hồ nước xanh vắt dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Nhưng, Ea Lũh nghèo-cái nghèo đã trở thành… thương hiệu. Khi xã Nghĩa Hưng đang chạy đua để về đích nông thôn mới, thì ở Ea Lũh, trong tổng số 112 hộ dân với hơn 700 khẩu thì có đến 53 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Nằm cách trung tâm TP. Pleiku chưa đầy 20 km, giữa những đồi chè, cà phê trù phú, Ea Lũh vẫn nghèo một cách kỳ lạ. Bởi Ea Lũh còn được biết đến với một biệt danh không lấy làm tự hào là “làng siêu đẻ”.

 

Những đứa trẻ ở Ea Lũh trên đường đi học về. Ảnh: V.N
Những đứa trẻ ở Ea Lũh trên đường đi học về. Ảnh: V.N

Trong cái rét mướt của những ngày cận Tết, già Hoen trầm ngâm kể câu chuyện của hơn 50 năm về trước, người làng khi xưa đều có nguồn gốc từ huyện Tu Mơ Rông và huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum. Ngày ấy, trong làng có một người được đi học, biết tiếng Pháp nên được làm cai ở đồn điền chè tại khu vực xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Viên cai ấy sau đó đã đưa vợ con, họ hàng và người làng đến mảnh đất mới lập làng. Làng nhỏ, ít người nên người Ea Lũh càng phấn đấu phải đẻ nhiều, thật nhiều. Cứ thế, mỗi cặp vợ chồng người ít thì 7-8 người con, người nhiều thì 12-13 đứa. “Ai đẻ được, nuôi được thì cứ đẻ, đến khi nào không đẻ được nữa thì thôi, vậy nên làng mới nhiều trẻ con như vậy”-già Hoen chia sẻ.

Trời sinh voi mà chẳng sinh cỏ, người Ea Lũh phải vật vã kiếm miếng ăn từng bữa cho gia đình nheo nhóc những miệng ăn. Bởi thế, Tết với họ vẫn là cái gì đó xa xỉ, hàng năm làng luôn phải nhận gạo cứu đói hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng Tết này, người Ea Lũh dường như đã cảm nhận rõ hơn hơi thở của mùa xuân về trên ngôi làng. Con đường bê tông phẳng lỳ từ trung tâm xã vào làng đã được đưa vào sử dụng. Đây là con đường do chính công sức của người làng và kinh phí của Nhà nước mở ra, đẩy lùi những ngày gian khổ với đất đỏ bụi mù. Ngoài làm hợp đồng cho nhà máy chè, người Ea Lũh đã biết học theo người Kinh chăm sóc vườn cà phê để đạt năng suất cao nhất. Họ bắt đầu biết tận dụng diện tích đất sản xuất ít ỏi để chăn nuôi và cũng bắt đầu biết tất bật lo cho một cái Tết tươm tất.

Chị Xia (31 tuổi) vừa tất tả quét dọn chuồng và cho heo ăn, vừa hồ hởi: “Năm nay nhà mình nuôi được 1 con heo nái và 5 con heo thịt. Đợt vừa rồi mới xuất chuồng lứa heo con nên cũng có chút tiền mua sắm đồ Tết cho nhà. Chỉ mong rằng trong năm mới giá heo lên cao, mình xây chuồng mới, nuôi thêm mấy con heo nữa, có vốn thì mình sẽ nuôi thêm mấy con bò. Khi ấy 2 vợ chồng sẽ tách ra ở riêng chứ không ở chung với cha mẹ nữa. Giờ nhà mình đang là hộ cận nghèo, nhưng chắc cũng sắp thoát được cái cận nghèo ấy rồi”. Chị Xia cũng cho hay, nhờ cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình tuyên truyền thường xuyên nên những cặp vợ chồng trẻ trong làng giờ cũng không còn đẻ nhiều nữa, cặp nào nhiều thì 3 người con, còn thường chỉ 1-2 người con. Đã 31 tuổi, nhưng hiện chị Xia cũng mới chỉ có 1 người con chuẩn bị bước sang tuổi thứ 2.

Cũng như chị Xia, anh Nôen (29 tuổi) cho hay, vì muốn có điều kiện chăm sóc cho con tốt hơn, vợ chồng anh quyết định không đẻ nhiều nên hiện chỉ có một bé trai kháu khỉnh. Những ngày cận Tết, vợ chồng anh cùng họ hàng đang tất bật hoàn thành căn nhà xây kiên cố trị giá hơn 100 triệu đồng. Căn nhà chính là tổ ấm ước mơ của đôi vợ chồng trẻ khi ra ở riêng. “Vợ chồng mình cặm cụi làm ăn để dành dụm tiền và mượn thêm một chút mới xây được căn nhà này. Khi không hái chè thì cả 2 lại gửi con ở nhà cho ông bà rồi lặn lội đi làm thuê cho người ta, lên rừng bẻ măng, hái đót, việc gì cũng làm. Tết này làm được nhà mới, mình sẽ mổ một con heo thật to để mời mọi người chung vui với gia đình”.

Chiều về, trên con đường bê tông mới toanh, những người phụ nữ làng Ea Lũh cười vang rộn rã với những bó đót nặng trĩu trên xe. Niềm vui đã về với họ-những người đã quen với đói nghèo-khi năm nay lũ trẻ sẽ có tấm áo mới, có bánh kẹo… Và có Tết.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm