Kinh tế

Doanh nghiệp

Xuất hiện hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức nhảy vào lĩnh vực hàng không khi thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách hàng không.
Mới đây thông tin về doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, công ty này có mã số doanh nghiệp và mã số thuế là 0108712524, bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4.
Trước đó, mã số thuế trên thuộc về Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia, doanh nghiệp có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
 
Ngày 29/5 vừa qua, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty CP Hàng không Vinpearl Air. Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.
Theo thông tin đăng ký, hãng hàng không mới này có trụ sở tại tầng 2 khu Almaz Market, đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, tức nằm trong khuôn viên khu đô thị Vinhomes Riverside của Vingroup. Vốn điều lệ của Vinpearl Air 1.300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này hiện đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, bao gồm vận tải hành khách hàng không; vận tải hàng hóa hàng không; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; dịch vụ ăn uống khác; dịch vụ phục vụ đồ uống; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; quảng cáo và đại lý du lịch. Trong đó, ngành nghề chính của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air là vận tải hành khách hàng không.
Vinpearl Air được đăng ký hoạt động dưới dạng công ty cổ phần với 3 cổ đông sáng lập: công ty CP Phát triển du lịch VinAsia góp 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp 30% và ông Phạm Khắc Phương góp 25% tổng số vốn. Như vậy, cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air là công ty CP Phát triển du lịch VinAsia, tiền thân là Công ty CP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6/2017.
Cổ đông lớn thứ hai của Vinpearl Air, ông Hoàng Quốc Thủy từng được biết đến với vai trò Tổng giám đốc Công ty Đầu tư kinh doanh và phát triển Quang Thái, thành lập hồi tháng 10/2016.
Cổ đông cuối cùng, ông Phạm Khắc Phương từng nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong ban lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cũng như Vinpearl. Ông Phương sinh năm 1967 xuất phát là một kỹ sư. Ông gắn bó với Vingroup từ khi tập đoàn này còn kinh doanh ở Ukraina với tên gọi Technocom. Đến năm 2007, ông là Trưởng ban kiểm soát Công ty Cổ phần Vincom…
Người đại diện có tên Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 1972. Theo hồ sơ mới nhất, bà Hương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty trong khi trước đó bà nắm giữ vị trí Tổng giám đốc. Hiện bà Hương còn là đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Nhất Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam. Hồi cuối năm 2018, Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A thuộc sở hữu của doanh nghiệp này.
Đại diện Tập đoàn Vingroup vừa xác nhận thông tin về việc tập đoàn này đã thành lập Công ty Vinpearl Air hoạt động trong lĩnh vực hàng không.
 
Hiện Việt Nam đang có 5 hãng bay chuyên chở lượng hành khách đáng kể là Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và mới nhất là Bamboo Airways.
Thị trường hàng không Việt Nam 2 năm gần đây trở nên sôi động. Hồi đầu năm, hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức vận hành. Bên cạnh đó, còn 2 doanh nghiệp khác đang muốn thành lập hãng hàng không là Vietravel Airlines do Vietravel sở hữu và Thiên Minh Airlines do Tập đoàn Thiên Minh thành lập.
Cùng với việc thành lập Công ty Vinpearl Air, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã ký kết với Tập đoàn CAE (Canada) một thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.
Theo kế hoạch này, trường đào tạo phi công và thợ máy của Vingroup dự kiến mỗi năm đạo tạo được 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA. Vingroup cũng dự kiến đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay
Thế Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm