Bạn đọc

Xuất hiện nhiều đối tượng "bảo kê ruộng dưa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng năm tại thị xã Ayun Pa đều có những người nông dân tại Bình Định, Phú Yên đến thuê đất để trồng dưa hấu. Đây là cơ hội để các đối tượng xấu trên địa bàn bắt chẹt, đòi tiền “bảo kê” dưới nhiều hình thức.

Hiện tượng thu tiền bảo kê của các “thổ địa” với người trồng dưa và mua dưa trên địa bàn thị xã Ayun Pa đã xuất hiện từ vài năm qua. Đa phần các đối tượng này đều tự xưng là dân giang hồ, có “số má” để bắt nạt những người thân cô thế cô từ nơi khác đến thuê đất trồng dưa. Nhiều người vì muốn an phận làm ăn, sợ vướng vào rắc rối với “dân anh chị” nên đã ngậm ngùi chung chi cho các đối tượng bất lương. Tuy nhiên, tất cả các hành vi ấy của các đối tượng này đã sớm được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Ayun Pa đưa vào tầm ngắm.

 

Đối tượng Hương (trái) và Thọ tại cơ quan Công an. Ảnh: Văn Ngọc
Đối tượng Hương (trái) và Thọ tại cơ quan Công an. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, cơ quan này đã chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Ayun Pa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can với 2 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản với người trồng dưa. Theo đó, chiều 227-11, đối tượng Nguyễn Hồng Hương (SN 1970) rủ thêm Hoàng Minh Thọ (SN 1986, cùng trú phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) đến buôn Bir, xã Chư Băh để vòi tiền anh Lê Văn Quy-là nông dân ở Bình Định lên thuê đất trồng dưa tại đây. Hương bảo với Thọ rằng vì anh Quy nhờ cò đất khác kiếm đất thuê trồng dưa mà không nhờ Hương nên định đến rẫy của anh để hù dọa “kiếm ít tiền tiêu xài”.

Sau đó, 2 đối tượng đi xe máy đến rẫy của anh Quy tại buôn Bir thì gặp vợ chồng anh Quy và anh Nguyễn Thành Hưng-em rể anh Quy. Hương liền gọi cả ba người vào gần chòi và quát lớn: “Tao là Bảy Hương, đại ca ở đây” rồi hỏi anh Quy làm bao nhiêu sào đất. Khi biết anh Quy làm 1,4 ha đất Hương liền nói: “Tại sao mọi năm đều qua tao thuê đất mà năm nay không qua nữa, làm vậy là qua mặt tao. Giờ tao lấy 1,4 ha đất là 1,4 triệu đồng, nếu không đưa tiền tao sẽ cho người vào phá đất, phá dưa, gặp đâu đánh đó, nếu đưa tiền thì tao sẽ lo cho, xã hội đen là tao đây thằng nào vào tao đánh chết hết”.

Thấy 2 đối tượng tỏ vẻ hung hãn, anh Hưng hoảng sợ nên đã về chòi mình lấy 1 triệu đồng để nộp “phí đất” còn 400 ngàn đồng anh Hưng nói Hương qua chòi anh Quy lấy. Tuy nhiên, anh Quy nói hiện không có tiền nên để hôm sau sẽ đưa. Như lời hẹn, đến sáng 28-11, Thọ rủ thêm Nguyễn Thanh Hồng (SN 1988, trú phường Cheo Reo) đến rẫy của anh Quy để đòi tiền thì chị Nguyễn Thị Thương-vợ anh Quy nói do không có Hương nên không đồng ý giao tiền. Thấy vậy, Thọ liền bực tức dọa dẫm sẽ “phá đất, phá dưa, đốt chòi” nếu không đưa tiền đồng thời gọi Hương đến. Khoảng 15 phút sau Hương đi xe máy đến, chị Thương xin giảm cho 100 ngàn đồng vì chỉ còn 300 ngàn đồng thì Hương đồng ý và khi đang nhận số tiền này thì các trinh sát công an đã ập vào bắt quả tang, bắt giữ nhóm đối tượng.

Trước đó, vào mùa thu hoạch dưa hấu đầu năm 2015, Công an thị xã Ayun Pa cũng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đình Hậu (SN 1977, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) và Trần Đình Thái (SN 1990, ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) cũng về hành vi đòi “bảo kê” việc mua bán dưa. Cụ thể, khi thấy chị Hồ Thị Xuân Tằm (trú thị xã An Khê) là thương lái đến thu mua dưa hấu tại xã Chư Băh thì Nguyễn Đình Hậu (thường gọi Hậu lác) đã đến làm quen hỏi xin số điện thoại rồi gọi điện đe dọa chị Tằm với nội dung: “Chị lên đây làm ăn thì phải chung chi đều như nhau. Mua dưa ở đây thì phải cắt cho tôi một giá không thì để dưa loại 2 cho tôi, nếu không thì đừng hòng chất dưa lên xe và không xe nào chở đi được”. Rồi Hậu đã nhiều lần gọi điện đe dọa đồng thời kéo “đàn em” đến để uy hiếp rằng sẽ phá công việc làm ăn của chị Tằm. Sau đó, chị Tằm đã đồng ý hẹn Hậu cùng Thái đến quán cà phê để giao tiền. Sau khi ngã giá, chị Tằm đưa cho Hậu 7 triệu đồng và khi Hậu vừa cầm số tiền đang định đếm thì bị Công an ập vào bắt giữ.

Tòa án nhân dân thị xã Ayun Pa đã đưa ra xét xử hai bị can này và tuyên phạt 24 tháng tù giam với Hậu, 18 tháng tù giam đối với Thái. Đây rõ ràng là một bài học cho những đối tượng bất lương muốn kiếm ăn trên mồ hôi công sức của những người nông dân nghèo.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm