Điểm đến Gia Lai

Xúc động chuyện cưới hỏi trong chiến khu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những đám cưới trong căn cứ năm xưa đơn giản chỉ là buổi ra mắt với sự chúc phúc của đồng chí, đồng đội. Thế nhưng, việc tìm được người bạn đời ngay trong hoàn cảnh đặc biệt ấy đã trở thành điểm tựa về tinh thần để họ vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
1. “Ngày 21 tháng Giêng tới đây là tròn 59 năm vợ chồng tôi về chung một nhà. Dù đến với nhau bằng sự mai mối và đám cưới diễn ra đơn giản tại khu căn cứ của tỉnh nhưng cuộc sống của chúng tôi kể từ đó đến nay luôn êm ấm, hạnh phúc”-bà Trần Thị Mỹ (07 Nguyễn Du, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) mở đầu câu chuyện với tôi khi kể về cuộc sống hạnh phúc bên người bạn đời là ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Bà Mỹ sinh năm 1941 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tháng 10-1960, bà thoát ly đi bộ đội và được bố trí về làm nhân viên phục vụ tại Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai, sau đó chuyển sang Tỉnh ủy. Trong thời gian công tác tại Tỉnh ủy (từ tháng 11-1961 đến 3-1964), bà được nhiều người để ý nhưng chưa nhận lời ai. Vốn quý mến người em đồng hương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình khi ấy đã quyết tâm mai mối bà Mỹ cho ông Ngô Thành lúc bấy giờ là Bí thư Huyện ủy Khu 4 và 5.
Bà Mỹ kể: Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình gọi ông Thành về trụ sở Tỉnh ủy để gặp bà. Lặn lội hơn 10 ngày từ Khu 5 về Khu 10 (nay là huyện Kbang), tối 1-11-1963, ông bà được tổ chức cho phép gặp nhau trong 2 giờ đồng hồ. Lúc bấy giờ, cả 2 chỉ trao đổi về hoàn cảnh gia đình, đời tư, quan điểm của mỗi người về hôn nhân mà chưa dám hứa hẹn gì. Mọi liên lạc sau đó đều được gửi qua thư, rồi dần cảm mến và nhất trí làm bạn đời của nhau. Biết được điều này, ngày 21-1-1964, nhân hội nghị Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình và cơ quan Tỉnh ủy đã quyết định tổ chức đám cưới cho ông bà vào buổi chiều cùng ngày.
“Theo kế hoạch, đám cưới tổ chức vào 14 giờ cùng ngày nhưng hội nghị kéo dài qua buổi chiều nên đến 15 giờ mới bắt đầu. Quá trình tổ chức được Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị rất chu đáo ngay dưới tán rừng bên dòng suối Kpiêr (thuộc cơ quan Tỉnh ủy). Anh Đẳng (Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình) đứng ra làm chủ hôn. Dù đám cưới không có bố mẹ, anh chị em bên cạnh nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm áp, hạnh phúc. Trong ngày đặc biệt này, tôi được chồng tặng một số vật dụng làm kỷ niệm như 1 tấm vải màu đen, ăng gô nấu cơm, bi đông đựng nước và chiếc nhẫn”-bà Mỹ hồi nhớ.
Vợ chồng ông bà Ngô Thành-Trần Thị Mỹ. Ảnh: Nhật Hào
Vợ chồng ông bà Ngô Thành-Trần Thị Mỹ. Ảnh: Nhật Hào
Nghe vợ kể cùng tôi về hôn lễ của mình, ông Ngô Thành đưa cho tôi cuốn hồi ký về những năm tham gia kháng chiến, trong đó có 10 trang ghi lại chuyện xây dựng gia đình của ông. “Cưới xong, tôi trở về nơi công tác là huyện Chư Prông, vợ tôi được phân công về làm cán bộ phụ nữ ở Khu 10 (nay là huyện Kbang). Giữa năm 1964, Tỉnh ủy rút tôi về làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhưng chúng tôi ít khi gặp nhau, có khi 4-5 tháng mới gặp lại. Và 5 năm sau, vợ chồng tôi mới sinh đứa con đầu. Hôm nay, chúng tôi đã có 3 cô con gái nay đã có chồng, có con… Bây giờ, chúng tôi đều đã nghỉ hưu và tuổi cao, sức yếu song vẫn luôn thấy mình còn nặng nợ với Đảng và Nhân dân, với đồng đội, đồng chí, chẳng những lo cho mình tiến bộ mà còn chăm lo đến cả hạnh phúc riêng tư. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả và nguyện sống xứng đáng với những gì mà Đảng, Nhân dân, đồng chí, đồng đội đã dành cho mình”-ông Thành viết.
2. Câu chuyện vợ chồng bà Ngô Thị Kim Yến và ông Nguyễn Thế Lương (120 Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) nên duyên chồng vợ ngay trong khu căn cứ Tỉnh đội trước ngày đất nước giải phóng cũng khá thú vị. Khi tôi tìm đến nhà, ông Lương đang điều trị bệnh tại TP. Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ treo nhiều bức ảnh chụp gia đình, trong đó có những tấm hình chụp hai vợ chồng mặc quân phục người lính đã nhuốm màu thời gian.
Bà Yến quê ở tỉnh Bình Định. 13 tuổi, bà tham gia dân quân du kích tại quê nhà. Năm 1967, bà được điều về công tác tại Tỉnh đội Gia Lai. Tại đây, bà được cử đi học ngành y tá 1 năm, sau đó về công tác tại Bệnh xá Khu 3 (thuộc Tỉnh đội) và bổ sung vào Đội phẫu thuật với nhiệm vụ cứu chữa bộ đội bị thương. Thấy bà nhanh nhẹn, chịu khó, cuối năm 1968, Tỉnh đội rút bà về công tác tại đơn vị (thời điểm đó, đơn vị đóng tại Khu 10, nay là xã Krong, huyện Kbang). Cũng nhờ vậy, bà được tiếp xúc nhiều hơn rồi dần dần đem lòng yêu mến chàng trai quê Hải Phòng Nguyễn Thế Lương, khi ấy là cán bộ hậu cần của Tỉnh đội. “Sau 6 năm làm quen, ông ấy ngỏ lời muốn lấy tôi làm vợ. Ban đầu, tôi cũng có chút do dự, nhưng sau đó, tôi đồng ý vì nghĩ chiến tranh không biết đến khi nào kết thúc, có được người thương yêu sẽ là điểm tựa tinh thần để vượt qua tất cả”-bà Yến bộc bạch.
Bà Yến trò chuyện về đám cưới của mình trước giải phóng. Ảnh: Nhật Hào
Bà Yến trò chuyện về đám cưới của mình trước giải phóng. Ảnh: Nhật Hào
Kể về ngày vui của mình, bà Yến cho biết, sau khi báo cáo cấp trên, đơn vị đồng ý và lên kế hoạch để tổ chức đám cưới cho 2 người. Đơn vị cử người về Bình Định mua nhu yếu phẩm thì mua thêm bánh kẹo; rồi tận dụng gạo nếp mà người dân địa phương hỗ trợ để nấu cơm lam; làm thịt heo để chế biến các món: thịt kho mặn, thịt xào lá mì, cà đắng. Tất cả công đoạn nấu nướng đều diễn ra dưới hầm để tránh bị địch phát hiện. Riêng vợ chồng bà không có gì trong tay nên chỉ tận dụng mảnh vải màu đen được đơn vị cấp hàng tháng nhờ lực lượng quân nhu may để mặc trong ngày cưới.
“Đó là một ngày đầu tháng 4-1975, tại Bệnh xá Khu 3 (thuộc căn cứ Tỉnh đội, nay là xã Krong, huyện Kbang). Khoảng 5 giờ chiều, hôn lễ chính thức được tổ chức. Mọi người đến dự đám cưới rất đông, ai nấy đều chúc phúc và tặng vợ chồng tôi một số quà kỷ niệm”-bà Yến kể.
...Rời nhà bà Mỹ, bà Yến ra về, tôi vẫn nhớ những câu thơ đầy cảm xúc mà ông Ngô Thành đã viết tặng vợ cách đây hơn 20 năm: “Tôi ở phía Tây, em phía Đông/Trường Sơn cách núi lại ngăn sông/Ơn ai đã bắc cầu Ô Thước/Ngưu Lang-Chức Nữ được tương phùng…”.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm