Du lịch

Xúc tiến du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên tại Hải Phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 9-10, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) 3 tỉnh: Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại TP. Hải Phòng.

Hội nghị có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam (Bộ VH-TT và DL); Sở VH-TT và DL 3 tỉnh Tây Nguyên, Sở Du lịch Hải Phòng; lãnh đạo Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch TP. Hải Phòng, 3 tỉnh Tây Nguyên và 1 số tỉnh, thành khu vực phía Bắc; các cơ quan truyền thông, báo chí.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Diệp

Một chuyến đi, nhiều điểm đến”

Tại hội nghị, các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu tour “Một chuyến đi, nhiều điểm đến”; trong đó, chọn lọc các điểm đến mới, hấp dẫn để giới thiệu đến các doanh nghiệp du lịch. Điểm chung và cũng là thế mạnh của du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên đó là sở hữu di sản văn hóa thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; tài nguyên đa dạng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nổi tiếng trên bản đồ du lịch cả nước. Khí hậu chung của vùng trong lành với nhiệt độ dao động từ 20 độ C-30 độ C, nhất là khí hậu mùa hè luôn mát mẻ do đặc trưng của địa hình vùng cao, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng...

Mỗi tỉnh cũng sở hữu những thế mạnh riêng, tạo nên sự hấp dẫn trong từng sản phẩm mang đậm dấu ấn. Trong đó, Đak Lak là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhất là sân bay Buôn Ma Thuột là một trong những Cảng hàng không nội địa hiện đại, được xác định là đầu mối giao thông quan trọng-cửa ngõ nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước; trong tương lai còn kết nối với các sân bay quốc tế.

Núi lửa Chư Đang Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Được thiên nhiên ưu đãi, Đak Lak có nhiều sông, hồ, thác, ghềnh đẹp, nổi tiếng và những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng như các Vườn quốc gia: Yok Don, Chư Yang Sin; Rừng lịch sử văn hóa môi trường hồ Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, rừng đặc dụng Nam Ka gắn với các dòng sông Sêrêpôk, Krông Ana, Krông Bông; hồ Lắk… Tỉnh có 42 di tích được xếp hạng (trong đó, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 23 di tích cấp tỉnh). Bên cạnh đó, Đak Lak có diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80%, là tỉnh sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đây là lợi thế lớn của tỉnh trong việc vừa phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch.

Gia Lai có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hấp dẫn như Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, thác 50… Trong đó, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã khẳng định giá trị đa dạng sinh học và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Gia Lai. Trong đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đóng vai trò chính về hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển.

Thác 50 nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gia Lai sở hữu các di tích quốc gia đặc biệt gắn với bề dày văn hóa-lịch sử như: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê). Ngoài ra, tỉnh còn có các di tích lịch sử như: Chiến thắng Pleime, Chiến thắng Đak Pơ, Làng kháng chiến Stơr, Căn cứ địa cách mạng khu 10 , Đường 7 sông Bờ, Chiến thắng Chư Nghé, Bến đò A Sanh… Nhiều sự kiện văn hoá-du lịch đã góp phần quảng bá cho di sản văn hóa, thiên nhiên Gia Lai được du khách yêu thích như: Festival Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, ngày hội Du lịch Kbang, lễ hội Cầu Huê… Gia Lai còn có lợi thế về sản phẩm nông nghiệp, cây dược liệu tập trung ở một số địa phương thuộc tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên phong phú hỗ trợ cho việc hình thành sản phẩm du lịch nông thôn.

Trong khi đó, Kon Tum, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, giáp Lào, Campuchia, với đường biên giới dài 292,5 km, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh và hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông-Tây. Kon Tum có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, mang bản sắc riêng với các loại hình như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, leo núi, mạo hiểm, nghỉ dưỡng; loại hình du lịch gắn với vùng trồng rau, hoa xứ lạnh, trồng Sâm Ngọc Linh…

Đáng chú ý, trong số đó phải kể đến rừng thông Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đak Glei). Nổi bật là Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, rừng có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa độc đáo. Với lịch sử hơn 110 năm hình thành và phát triển, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam-thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Chủng viện Thừa Sai Kon Tum, Chùa Bác Ái...

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, 3 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án du lịch có quy mô lớn về vốn đầu tư; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước...

Hiện 3 tỉnh có các tour liên kết độc đáo, hấp dẫn như tour “Tây Nguyên huyền thoại” (5 ngày 4 đêm, trải nghiệm 3 tỉnh Đak Lak-Gia Lai-Kon Tum), đón khách từ sân bay Buôn Ma Thuột và chào tạm biệt khách tại sân bay Pleiku; tour “Hương sắc Tây Nguyên (3 ngày 2 đêm trải nghiệm Gia Lai-Kon Tum) đón và trả khách tại sân bay Pleiku. Ngoài ra, Gia Lai có tour “Phượt-Gia Lai” (2 ngày 1 đêm) với các loại hình đặc thù như trekking-hiking băng rừng, cắm trại, nấu ăn và ngủ đêm trong rừng.

Tăng cường kết nối

Thay mặt 3 tỉnh Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó giám đốc Sở VH-TT và DL Gia Lai phát biểu tại hội nghị: Trong giai đoạn hiện nay, du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, du lịch rất cần liên kết để phát triển. Thông qua hội nghị, chúng tôi mong muốn các địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể thiết lập quan hệ hợp tác để kết nối, xúc tiến phát triển du lịch hiệu quả.

Ông Đặng Hồng Chung-Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch TN Group, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hải Phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Diệp

Ông Vũ Huy Thưởng-Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hải Phòng-cho biết, Sở đánh giá cao sáng kiến của Sở VH-TT và DL 3 tỉnh Tây Nguyên tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh với TP. Hải Phòng trong bối cảnh du lịch Việt Nam và thế giới đang phục hồi và tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Ông Vũ Huy Thưởng cho biết, Hải Phòng là thành phố cảng nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, hội tụ đầy đủ lợi thế về giao thông. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Hải Phòng được xác định là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia về du lịch biển-đảo. Sự khác biệt về đặc thù du lịch rừng, biển giữa vùng Tây Nguyên và Hải Phòng sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển liên vùng, từng bước đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên tới người dân Hải Phòng cũng như giới thiệu du lịch thành phố hoa phượng đỏ tới các doanh nghiệp du lịch khu vực Tây Nguyên để gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố.

Đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả nội dung liên kết phát triển du lịch, ông Đặng Hồng Trung-Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch TN Group, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hải Phòng ví du lịch Hải Phòng với Tây Nguyên như truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ “50 người lên núi, 50 người xuống biển”. Tiếp nối truyền thuyết để xây dựng tour thu hút khách từ Tây Nguyên đến Hải Phòng và ngược lại, ông Đặng Hồng Trung cho rằng: “Các đơn vị lữ hành ở các địa phương phải tìm được cái thiếu trong sản phẩm du lịch mỗi vùng để “điền vào chỗ khuyết”, từ đó liên kết để tạo ra những sản phẩm mới mẻ, phù hợp. Ví dụ khách miền biển sẽ bị thu hút bởi ẩm thực “phở 2 tô” Gia Lai, ngược lại, khách miền núi sẽ tò mò bánh đa cua Hải Phòng, cần phải nhấn mạnh sự đặc thù trong công tác quảng bá. Hay làm thế nào để đón khách lẻ mà phục vụ chu đáo như khách đoàn cũng là câu chuyện phải bàn sâu để du khách nào cũng thấy hài lòng khi du lịch đến một vùng đất khác”.

Ông Lưu Hoàng Điệp-Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành S9 (Hải Phòng) cho rằng, Tây Nguyên hiện nay chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng làm điểm nhấn, công tác quảng bá vẫn còn khá chung chung. “Để một vùng đất phát triển du lịch phải thu hút được khách lẻ chứ không phải khách đoàn. Vì vậy, công tác quảng bá chỉ thông qua những hội nghị là chưa đủ, mà phải đến tận tay khách hàng. Khách lẻ đến thì hoạt động du lịch mới sôi nổi được, cộng đồng mới có tiền để duy trì hoạt động. Ngoài ra, công tác quảng bá du lịch phải chú ý đến tập tính của khách hàng, nhất là khách miền Bắc. Khách Tây Nguyên thích đi biển, cũng như khách miền Bắc thích rừng núi. Vì vậy, thiết kế tour phải đúng sở thích, đánh vào đúng trọng tâm. Đến Tây Nguyên mùa mưa, mùa khô có cái gì phải giới thiệu thật cụ thể. Nếu đưa sản phẩm chung chung thì chắc chắn khách hàng không lựa chọn”-ông Điệp cho biết.

Để kéo gần khoảng cách du lịch giữa 2 vùng đặc thù, ông Lê Đức Hồng-Giám đốc Công ty Vin travel (Hà Nội)-cho rằng, Tây Nguyên đang là điểm đến mới của du khách miền Bắc, do đó “Mong các hãng hàng không mở thêm đường bay, tăng cường chuyến bay kết nối đồng bằng sông Hồng với Tây Nguyên”-ông Lê Đức Hồng đề xuất.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên và Sở Du lịch TP. Hải Phòng ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Diệp

Từ những chia sẻ của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Những giải pháp, ý tưởng mà các doanh nghiệp lữ hành chia sẻ tại hội nghị là những đóng góp quý giá để các tỉnh Tây Nguyên có kế hoạch triển khai trong thời gian tới. “Chúng tôi hy vọng qua hội nghị, mối quan hệ giữa 3 tỉnh Tây Nguyên và Hải Phòng sẽ ngày càng thân thiết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển, đẩy mạnh kết nối, liên kết hợp tác phát du lịch khu vực Tây Nguyên với Hải Phòng-một trong những trung tâm kinh tế của cả nước nói chung, khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói riêng; nhất là khai thác đường hàng không Hải Phòng-Buôn Ma Thuột để kết nối điểm đến 2 tỉnh còn lại”-ông Hoàng cho biết.

Tại hội nghị, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 3 tỉnh Tây Nguyên và Sở Du lịch TP. Hải Phòng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch. Hoạt động góp phần đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh để hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch; tạo không gian kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để có cơ hội tìm hiểu, ký kết khai thác tour du lịch đặc trưng, hấp dẫn, góp phần gia tăng lượng khách du lịch từ TP. Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc đến 3 tỉnh Tây Nguyên và ngược lại.

Có thể bạn quan tâm