Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, ngày 26-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chuyển khối chủ lực mặt trận Tây Nguyên thành quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược số 3 của quân đội ta.
 

 Các chiến sĩ Đoàn Pháo binh 40 tuyên truyền vận động đồng bào ở xã Đak Yă (huyện Mang Yang). Ảnh: Hùng Tấn
Các chiến sĩ Đoàn Pháo binh 40 tuyên truyền vận động đồng bào ở xã Đak Yă (huyện Mang Yang). Ảnh: Hùng Tấn

Ngay sau ngày ra đời, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đã khẩn trương tổ chức lực lượng phát triển theo ba hướng tiến xuống đồng bằng Nam Trung bộ. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 29-3 đến 3-4-1975), các đơn vị của Quân đoàn đã phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương tiến công tiêu diệt địch giải phóng hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và góp phần giải phóng tỉnh Bình Định. Cả vùng đất Tây Nguyên rộng lớn gắn liền với dải đất Duyên hải Nam Trung bộ từ Quy Nhơn đến Cam Ranh được giải phóng đã cắt đôi miền Nam, góp phần tạo ra thời cơ chiến lược cho Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4-1975.

Tiếp đó, Quân đoàn được lệnh cơ động vào miền Đông Nam bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Trong chiến dịch lịch sử này, Quân đoàn được giao đảm nhiệm một hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch, từ phía Tây Bắc vào Sài Gòn. Trên hướng tiến công của Quân đoàn, lực lượng địch khá mạnh, gồm đủ loại sắc lính với số lượng trên 3 vạn tên. Chiều sâu phòng ngự của địch khoảng 100 km. Song với khí thế của “Bão táp Tây Nguyên”, trải qua 10 ngày đêm chiến đấu ác liệt, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng 19 ngàn tên địch, đánh chiếm và làm chủ Gò Dầu Hạ, Trảng Bàng, Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn, thành Quan Năm, Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Quân đoàn tham gia và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

 

 Thiếu tá Phạm Văn Thùy-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, hướng dẫn chiến sĩ tập lấy phần từ bắn. Ảnh: Thành Trung
Thiếu tá Phạm Văn Thùy-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, hướng dẫn chiến sĩ tập lấy phần từ bắn. Ảnh: Thành Trung

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, chỉ sau 5 năm thành lập, Quân đoàn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trao tặng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng nhất, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angkor và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Bước vào thời kỳ đổi mới, Quân đoàn vinh dự được trở lại xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên. Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, ngay từ những ngày đầu, Quân đoàn đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh, chỉ thị, kế hoạch công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Bộ Tổng Tham mưu. Tích cực giáo dục nâng cao nhận thức của bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện, về ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, về âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, nhất là âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Chủ động tổ chức nghiên cứu địa hình, xây dựng phương án, hoàn thiện văn kiện chiến đấu và kế hoạch phòng-chống bạo loạn trong khu vực được phân công. Thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương nắm vững tình hình để phối hợp tác chiến khi có tình huống xảy ra. Quân đoàn luôn duy trì nghiêm túc hệ thống trực sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các quy định về quản lý bộ đội, quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật. Đồng thời chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện để thường xuyên duy trì sức chiến đấu, sẵn sàng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Bên cạnh đó, Quân đoàn chủ động tham gia xây dựng địa phương. Cùng với việc duy trì nền nếp các hoạt động kết nghĩa theo phân cấp với địa phương nơi đóng quân, hàng năm, Quân đoàn đều tổ chức các đội công tác, các đại đội hành quân huấn luyện dã ngoại về các xã vùng sâu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn của Gia Lai, Kon Tum và Bình Định để tuyên truyền cho bà con hiểu rõ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ sở chính trị; vận động và giúp đỡ đồng bào ăn ở theo nếp sống vệ sinh khoa học, chuyển đổi vật nuôi cây trồng và khám-chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn đã có mặt kịp thời ở những “điểm nóng” tuyên truyền để bà con hiểu rõ âm mưu phá hoại của kẻ thù, góp phần nhanh chóng ổn định chính trị và đời sống nhân dân. Quân đoàn cũng đã huy động hàng chục vạn ngày công giúp nhân dân các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên làm đường giao thông, kênh mương dẫn nước, xây dựng làng định cư, khai hoang phục hóa trồng lúa nước và cây công nghiệp; xây dựng trạm xá, phòng học, nhà rông văn hóa, dạy học xóa mù chữ, huấn luyện dân quân tự vệ, làm nhà ở cho các gia đình chính sách và nghèo đói; phòng-chống lụt bão cứu giúp nhân dân; rà phá bom mìn, chất độc hóa học, giải phóng mặt bằng phục vụ sản xuất và xây dựng các công trình trọng điểm.

Từ đầu năm 2012, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới” do Tổng cục Chính trị phát động, Quân đoàn đã giao cho mỗi trung, lữ đoàn và đơn vị tương đương tham gia xây dựng một xã khó khăn nhất; đến nay qua hai năm thực hiện, hầu hết các xã trên đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn cũng đã quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ các gia đình khó khăn, bị thiên tai, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách ở địa phương với số tiền hàng chục tỷ đồng… Góp phần có hiệu quả vào chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh ở các địa phương, bảo vệ vững chắc và xây dựng Tây Nguyên ngày càng vững mạnh.

Những ngày tháng ba lịch sử này, cùng với toàn quân, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đoàn đang đẩy mạnh phong trào thi đua “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mãi mãi xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm