(GLO)- Xây dựng ý thức, trách nhiệm với cộng đồng bằng ứng xử phù hợp vẫn luôn là câu chuyện khiến mỗi người phải không ngừng suy ngẫm hàng ngày.
1. Cà phê trở nên thân thuộc và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần con người. Nhiều người chọn quán cà phê để đọc sách, làm việc, xem phim, gặp gỡ đối tác, bạn bè, thậm chí là hẹn hò. Là bởi họ tìm thấy những lý do phù hợp như: không gian thoáng đãng, thưởng thức âm nhạc, nước uống hợp khẩu vị, giá cả phù hợp, phong cách phục vụ chu đáo, lịch thiệp... để có thể làm việc, tán gẫu, thư giãn.
Tuy nhiên, bên cạnh những vị khách lịch thiệp, ý nhị chọn cho mình những chỗ ngồi quen thuộc, tránh làm ảnh hưởng đến người xung quanh thì vẫn có những vị khách vô tư đến phản cảm. Họ mang theo thức ăn, trái cây đến quán, sau đó thản nhiên rời đi với một đống rác trên bàn, dưới nền. Có người kéo ghế, kê cả hai chân lên rồi thoải mái tư thế nửa nằm nửa ngồi, mở điện thoại, bật loa át cả tiếng nhạc để chơi game, xem phim. Ở một số quán cà phê bệt, nhiều bạn trẻ còn rủ nhau đánh bài, thậm chí có người nằm ngủ ngay tại chỗ… Cũng có chủ quán không chấp nhận khách ý thức kém song cũng có chủ quán làm ngơ với lý do việc kinh doanh ngày một khó khăn, miễn có khách là được. Có lẽ chính sự im lặng của người kinh doanh, tâm lý ngại va chạm nơi đám đông, cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận khách hàng đã khiến cho hình ảnh xấu xí nơi công cộng vẫn cứ tiếp diễn.
2. Nhân nói về chuyện thiếu ý thức nơi công cộng, một người bạn của tôi đã gay gắt lên án người trẻ ăn mặc hở hang, phản cảm khi vãn cảnh chùa, tạo dáng chụp hình bên bức tượng Phật. Anh cũng không đồng tình việc nhiều phụ huynh dẫn theo con trẻ đến các chốn tôn nghiêm nhưng lại để chúng tự do chạy nhảy, nghịch phá. Anh kể, cách đây vài tuần, cả gia đình có dịp vãn cảnh chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Khi đến khu vực vòng xoay kinh luân, anh bắt gặp 1 cậu bé khoảng 10 tuổi đang thích thú vừa chạy vừa dùng tay đẩy thật mạnh những vòng xoay khiến người đi phía sau không sao có thể chạm vào. Lên tiếng nhắc nhở nhưng phụ huynh im lặng rồi chỉ một lúc sau, cậu bé ấy lại tiếp tục chơi đùa, nghịch phá.
Ứng xử giữa những con người với nhau, với thiên nhiên tạo vật thể hiện ý thức văn hóa của mỗi người. Một chuyện xin kể: Khi tôi cùng bạn tham gia kỳ thi sát hạch lái xe ô tô lấy bằng B2, mặc kệ những thông báo về việc giữ khoảng cách an toàn về phòng-chống dịch Covid-19, không quan tâm việc nhiều người đến sớm đang xếp hàng theo thứ tự để lấy thông báo, nộp lệ phí, một số học viên đến sau vẫn cố tình chen ngang, tranh trước. Phải đến khi giáo viên, những người giám sát thi nhắc nhở nhiều lần, trật tự mới được vãn hồi. Tình trạng này tôi vẫn hay bắt gặp tại quầy tính tiền ở siêu thị hoặc ở các cây xăng. Dẫu có nhiều lý do: “tôi đang vội”, “tôi mua ít nên tính trước cho nhanh”… nhưng dù với lý do gì thì điều đó cũng khó biện minh cho sự thiếu ý thức của bản thân khi những người xung quanh đang kiên nhẫn chờ đợi.
Chúng ta đang hướng đến xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới và cuộc sống ngày càng khấm khá, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, điều đó không dễ thực hiện khi mỗi người trong chúng ta còn ứng xử thiếu văn minh, sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau.
AN NGUYÊN