Kinh tế

Tài chính

Yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo dư nợ cho vay với cổ phiếu FLC

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC.

Theo văn bản từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ký ngày 5.4, để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường theo quy định tại Khoản 5, Điều 29 Thông tư 121/năm 2020 của Bộ Tài chính về hoạt động của các công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán đối với một số mã chứng khoán như FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS, GAB.

Nội dung báo cáo bao gồm dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của tất cả các tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại các công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay giao dịch ký quỹ tương ứng theo từng mã chứng khoán. Báo cáo của các công ty chứng khoán phải gửi về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước ngày 8.4.

 

 Các công ty chứng khoán phải báo cáo về việc cho vay ký quỹ với nhóm cổ phiếu họ FLC. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Các công ty chứng khoán phải báo cáo về việc cho vay ký quỹ với nhóm cổ phiếu họ FLC. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Hôm qua 5.4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trịnh Thị Thuý Nga, Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS, để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự. Bà Trịnh Thị Thuý Nga là em gái của nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị Bộ Công an bắt giữ để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Trước đó, chiều 4.4, C01 đã bắt giữ một em gái của ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế để điều tra về tội danh tương tự.

Ông Trịnh Văn Quyết cũng nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán BOS. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, bị can Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS và các công ty có liên quan đã có các hành vi che giấu thông tin về hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhóm cổ phiếu họ FLC có nhiều phiên giảm sàn và mất thanh khoản.

Theo Mai Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm