Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Yếu tố kỳ ảo trong sử thi Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong sử thi Tây Nguyên, yếu tố kỳ ảo là một trong những thủ pháp sáng tác thuộc lĩnh vực huyền thoại-dân gian nhằm biến đổi cái hiện thực thành cái siêu nhiên, thể hiện khát vọng của con người. Sự chuyển biến giữa hư-thực, thực-hư xoay quanh từng tình tiết, từng nhân vật, hoàn cảnh và không gian, đem lại những cảm quan thật hấp dẫn và thú vị.
Theo Th.S Bùi Nguyễn Thanh Tùng (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh), sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên được sưu tầm trong thời gian qua có thủ pháp nghệ thuật khá độc đáo. Chúng ta biết rằng, tư duy huyền thoại là lối tư duy cổ xưa nhất của lịch sử nhân loại. Trong trí tưởng tượng, các lực lượng tự nhiên vừa là sự thách thức, vừa là chiều kích phẩm chất mà con người vươn tới. Sự hoành tráng, kỳ vĩ, bất tử, vĩnh cửu là thuộc tính của huyền thoại thời xa xưa. Giáo sư Hà Minh Đức trong cuốn “Lý luận văn học” có băn khoăn rằng: “Gọi là phương pháp sáng tác “huyền thoại-dân gian” hay phương pháp sáng tác thần thoại thơ ca? Cũng có người cho nó là phương pháp sáng tác thần thoại thơ ca, bởi đây là hiện tượng văn học sớm nhất của nhân loại với các thành tựu về thần thoại, anh hùng ca của hầu hết các dân tộc phương Tây lẫn phương Đông”. 
 Nghệ nhân Y Dhin Niê (xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) đang kể sử thi. Ảnh: TẤN VỊNH
Nghệ nhân Y Dhin Niê (xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) đang kể sử thi. Ảnh: TẤN VỊNH
Trong sử thi nổi tiếng của dân tộc Ê Đê “Bài ca chàng Đăm Săn”, nhân vật Đăm Săn là một tù trưởng hùng mạnh, là chiến binh dũng cảm hơn người. Mọi hành động của chàng Đăm Săn đều nổi bật, vượt trội hơn kẻ thù, nhất là khi chiến đấu với Mtao Mxây và Mtao Grư. Hình tượng của chàng dũng sĩ Đăm Săn được khắc họa sâu sắc và đẹp đẽ nhất có lẽ là khi nhân vật đi cầu hôn Nữ thần Mặt trời, mặc dù cuộc gặp gỡ ấy thất bại và chàng bị chết trong rừng sáp đen. Và yếu tố huyền thoại được người Ê Đê sử dụng để nâng tầm nhân vật anh hùng đó là cho người anh hùng được tái sinh. Sau khi chết, Đăm Săn biến thành con ruồi và chui vào miệng chị gái. Chị người anh hùng sinh ra Đăm Săn cháu, tiếp tục nối dõi con đường của cậu mình. Như vậy, có thể xem huyền thoại-dân gian là phương tiện để sử thi Tây Nguyên thể hiện khát vọng của mình.
Hệ thống mô típ của nhóm sử thi Dăm Giông cũng đã được TS. Nguyễn Tiến Dũng đề cập đến trong cuốn “Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông” như: mô típ chàng trai khỏe mạnh, tài năng hơn người; mô típ vũ khí thần kỳ; mô típ đồ vật có phép lạ, con vật thần kỳ; mô típ tái sinh… Thường các nhân vật anh hùng ấy “thuộc dòng dõi thần linh, không ai địch nổi”. Sức mạnh của nhân vật Dăm Giông là sức mạnh siêu nhiên: “Giông dốc hết sức mạnh gây nên giông tố, bão bùng, khiến cho núi phải lở, biển động nước dâng lên ùn ùn…”. Hay trong hơamon Diỡ Hao Jrang của dân tộc Bahnar, có đoạn tả cảnh đánh nhau suốt ngày đêm giữa Dăm Pham với Bok Kĩek Lã Dia Kla Kông : “Dăm Pham đành đứng dậy, lấy khiên bạc, khiên đồng chứa đầy những gió mùa xuân, mùa hè mạnh như giông bão ra múa. Chàng múa đến đâu, giông gió từ đấy ầm ào phóng ra đến đấy…”. Các loại mô típ thần kỳ đó khá đậm đặc trong các sử thi Tây Nguyên, là yếu tố quan trọng để xây dựng nên các nhân vật điển hình. Đây có thể xem như một đặc điểm của nghệ thuật kỳ ảo, tạo nên sự ly kỳ, hấp dẫn của nội dung cốt truyện, phù hợp với lối tư duy cổ sơ và tín ngưỡng đa thần của cộng đồng người Tây Nguyên bản địa.
Không gian nghệ thuật trong các sử thi Tây Nguyên đã đẩy trí tưởng tượng của các dân tộc bản địa vượt xa ra “chín núi mười sông”, từ trên các tầng trời cao ngút đến cảnh địa ngục-thế giới các hồn ma; từ không gian của rừng núi đại ngàn muôn dặm đến biển cả mênh mông… “Đó là không gian hiện thực, như không gian địa lý, không gian xã hội và văn hóa của người Tây Nguyên thời xa xưa và không gian huyền ảo-không gian tưởng tượng được mở rộng đến vô cùng…” (Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông-Nguyễn Tiến Dũng). Trong hơamon Bia Brâu của dân tộc Bahnar do nhóm Th.S Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm năm 2002 có kể về câu chuyện của chàng trai Dơhrit đến từ một cái làng ma nào đó ở phía Tây, nơi làng người chết do vợ chồng Bia Brâu và Atâu Dũng Kang cai quản. Nơi đó, “Nhà rông cao vút chọc trời/Chót vót trên mái toàn nước thối/Nhầy nhụa gầm sàn đầy máu mủ/Bao nhiêu người chết hóa thành ma quỷ… Người ta gọi đó là ngôi nhà của Atâu Dũng Kang, tức là ông ma quỷ có cái mồm đằng sau gáy cùng những cái răng to như lưỡi cuốc. Thật là trên mặt đất này chẳng nơi nào có một ngôi nhà lạ lùng đến vậy”.
Bằng những tình tiết kỳ ảo như thế, sử thi đảm nhiệm chức năng nghệ thuật quan trọng của tác phẩm, đồng thời tạo ra ấn tượng thẩm mỹ cùng những cảm quan thật thú vị đối với người nghe.
HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm