Kinh tế

Doanh nghiệp

10 năm đồng hành cùng hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 10 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo nên một “luồng gió mới” cho thị trường nội địa. Tại Gia Lai, cuộc vận động này đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc kinh doanh, mua sắm, sử dụng hàng Việt.
Lan tỏa mạnh mẽ
Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai tích cực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đến nay, cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động hướng dẫn Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức thành viên phối hợp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động đến các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đến các cơ quan, đơn vị khối nhà nước nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt trong mua sắm tài sản công cũng như tiêu dùng cá nhân. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức và ý thức tự giác của các cấp, các ngành và nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực khi tin tưởng vào khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Phong cách tiêu dùng mới bước đầu được hình thành; tâm lý “sính ngoại” của người dân đã giảm dần, nhất là những mặt hàng có cùng chất lượng nhưng giá cao.
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: ĐỨC THỤY
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T
Chị Hoàng Thị Tâm (tổ 4, thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Mua hàng ngoại giá khá cao nhưng cũng không thể chắc chắn là hàng chuẩn hay hàng dởm bởi bây giờ hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng tràn lan khắp nơi. Do đó, để đảm bảo an toàn, tôi thường mua hàng Việt tại siêu thị hoặc các cửa hàng uy tín. Tôi cũng nhận thấy nhiều năm trở lại đây, hàng Việt Nam khá phong phú, đa dạng, chất lượng tốt và giá cũng hợp lý. Mọi người vì thế cũng ngày càng tin dùng hàng trong nước”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã hỗ trợ doanh nghiệp trong một số hoạt động như: tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, người tiêu dùng, mạng lưới phân phối; phê duyệt các kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa; hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; quản lý tốt chất lượng hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam; ban hành chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp tham gia các chương trình hàng Việt; tổ chức tập huấn kiến thức thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện hội nhập vào thị trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành về việc niêm yết giá, chống bán phá giá, bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng Việt…
Với nhiều cách thức triển khai sáng tạo, ngành Công thương đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho hay: Trong 10 năm qua, Sở đã vận động các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ tiểu thương… tích cực tham gia cuộc vận động; tỷ lệ hàng Việt đã tăng trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của các siêu thị. Nhiều đơn vị khác cũng tổ chức các đợt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Theo đó, Sở đã tiếp nhận trên 7.500 lượt chương trình khuyến mãi của hơn 1.450 doanh nghiệp trên toàn quốc; đồng thời xác nhận hơn 435 chương trình cho 150 lượt doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình khuyến mãi, ước tổng doanh thu hơn 40 tỷ đồng, thu hút trên 100 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Hoạt động giao thương cũng được đẩy mạnh với trên 150 lượt doanh nghiệp tham gia giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với các tỉnh bạn; qua đó, hơn 100 bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp đã được ký kết, góp phần mở rộng thị trường.
Rau VietGap Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: H.T
Rau VietGap Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: H.T
“Hiện nay, nhiều hàng hóa của Gia Lai đã có mặt tại một số siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao về chất lượng. Vừa qua, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất 10 hợp tác xã có sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: gạo, chanh dây, sầu riêng, ổi, cà phê, hồ tiêu, mật ong, tinh bột nghệ, mắc ca, rượu ghè, sâm, các loại rau củ… tham gia giới thiệu sản phẩm tại TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cũng đã đưa nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đi giới thiệu tại một số tỉnh và nhận được sự phản hồi tích cực. Đây chính là cơ hội tốt giúp các mặt hàng của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước”-ông Dự cho hay.
Doanh nghiệp cùng đồng hành
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và Mặt trận các cấp, bản thân doanh nghiệp-chủ thể hưởng lợi từ chương trình-cũng tích cực tham gia cuộc vận động này. Hàng năm, hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa hàng trăm chuyến xe hàng Việt về nông thôn phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh đã không ngừng xây dựng thương hiệu, cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn được thực hiện nhằm phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh Hồng Thi
Nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn được thực hiện nhằm phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Hồng Thi

Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức 195 lượt hội chợ tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã với hơn 2.800 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút trên 3,2 triệu lượt khách tham quan và mua sắm, doanh thu bán hàng đạt khoảng 100 tỷ đồng; tổ chức 54 lượt phiên chợ hàng Việt về nông thôn với 920 gian hàng của 270 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 65,5 ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu đạt trên 5,42 tỷ đồng.


Là một trong những đơn vị bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu tại Gia Lai, Siêu thị Co.op Mart Pleiku luôn đồng hành và phát triển cùng hàng Việt. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị đạt hơn 90%. Siêu thị cũng không kinh doanh thực phẩm tươi sống, trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc và các mặt hàng nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thịt gà thải loại của Hàn Quốc. Ngoài ra, Siêu thị còn tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” với bình quân hơn 10 chuyến bán hàng lưu động/năm. Những mặt hàng mang đi phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của doanh nghiệp trong nước với mức giảm giá hấp dẫn từ 5% đến 50% cùng nhiều quà tặng kèm theo.
“Cao điểm kích cầu quy mô lớn dành riêng cho hàng Việt là chương trình Tự hào hàng Việt được Siêu thị tổ chức định kỳ vào tháng 9 hàng năm. Sự kiện này không chỉ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa hàng Việt đến tận tay người Việt, giúp người tiêu dùng xóa dần quan niệm “sính ngoại” mà còn chứng minh cam kết của Co.op Mart Pleiku trong việc hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển với các nhà sản xuất Việt Nam; góp phần tác động tích cực trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng Việt theo định hướng chung của cuộc vận động”-bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết.
Cũng theo bà Thy, Siêu thị đã kết nối và hợp tác với các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh nhằm giới thiệu và quảng bá hàng nông sản địa phương, khuyến khích khách hàng sử dụng và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hiện nay, Co.op Mart đã đưa vào kinh doanh một số mặt hàng của Gia Lai như: thịt bò Úc-Điền Trúc Vàng, trà Vũ Minh Phát, bò khô Cô Ba, bò khô Du Ký, rau thủy canh Việt Long An Khê, rượu ghè Nhà Tôi, rau VietGAP Hương Đất An Phú và một số loại nông sản khác như: mít, bơ, đọt su su…
Những năm gần đây, hạt mắc ca Gia Lai cũng dần được người tiêu dùng đón nhận thay cho sản phẩm mắc ca được nhập khẩu từ Trung Quốc và Úc. Chị Lê Thị Cẩm Như-chủ cơ sở sản xuất mắc ca Minh Quang (thị trấn Kbang) phân tích: “Hạt mắc ca Trung Quốc đã bị hút dầu ly tâm trước khi sấy còn hạt mắc ca Úc giảm chất lượng do quá trình vận chuyển dài ngày. Trong khi đó, hạt mắc ca của Gia Lai được chế biến ngay tại chỗ bằng công nghệ sấy chuyên dụng, đảm bảo giữ nguyên màu sắc, hương vị, độ béo thơm. Giá sản phẩm cũng rẻ hơn 30-40% so với hàng nhập khẩu nên được nhiều người ưa chuộng. Vì thế, từ chỗ chỉ sản xuất 500 kg mắc ca tươi vào năm 2017, đến năm 2018, cơ sở của tôi đã tăng lên 12 tấn và tính từ tháng 4-2019 đến nay đã đạt 15 tấn. Tôi cũng đầu tư thêm máy móc hiện đại hơn và đăng ký mã vạch, nhãn hiệu riêng cho sản phẩm mắc ca của mình. Hiện mắc ca Minh Quang đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, hạt mắc ca Gia Lai sẽ có được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt”.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm