Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ có 13/20 chứng chỉ thuộc ngành giáo dục được đề xuất bỏ, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Cơ quan chức năng sẽ rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chức danh nghề nghiệp của giáo viên.Ảnh minh họa: HẢI NGUYỄN |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Theo Bộ Nội vụ, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức có một số hạn chế, tồn tại như: Nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lắp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Từ những bất cập này, Bộ Nội vụ đã đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Vậy trong nhóm chứng chỉ bồi dưỡng mà Bộ Nội vụ vừa đề xuất, ngoài chứng chỉ tin học và ngoại ngữ được đề xuất cắt giảm thì còn những loại chứng chỉ nào liên quan đến chức danh nghề nghiệp của nhà giáo được rà soát theo hướng cắt giảm?
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ GDĐT quy định 20 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp liên quan đến nhà giáo.
Tại phụ lục số 3b gửi kèm văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm 13/20 loại chứng chỉ thuộc ngành giáo dục, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm 13 loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức của ngành giáo dục. |
Cụ thể, với giảng viên, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giảng viên theo các hạng I, II, III, thì sẽ phải cần 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh tương ứng với các hạng. Sau này, nếu đề xuất của Bộ Nội vụ được thông qua, thì sẽ cắt giảm được 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng với chức danh giảng viên
Tương ứng, với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT các hạng I, II, III cũng sẽ được cắt giảm 2 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà Giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), cần phải nhấn mạnh là với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Nếu đề xuất được thông qua, thì Bộ GDĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26). Bộ GDĐT đề xuất bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 26 dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 101 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời rà soát, sửa đổi các loại chứng chỉ cho phù hợp theo hướng giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và không tạo áp lực cho giáo viên |
Theo Bích Hà (LĐO)