Kinh tế

Doanh nghiệp

15 năm song hành cùng người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 15 năm qua, Nhà máy Đường An Khê đã thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của người trồng mía khu vực Đông Gia Lai. Không những hỗ trợ, giúp đỡ nông dân làm giàu chính đáng từ cây mía, đơn vị còn đóng góp cho địa phương hàng trăm tỷ đồng ngân sách cũng như tích cực tham gia các công trình phúc lợi và an sinh xã hội.

Quyết tâm ổn định vùng nguyên liệu

Khu vực Đông Gia Lai (gồm các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê) có trên 44.000 ha đất nông nghiệp với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho việc phát triển cây mía. Trước năm 2000, mía được trồng chủ yếu để chế biến đường thủ công phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương hoặc bán cho nhà máy đường ở các tỉnh lân cận. Vì đầu ra thiếu ổn định, hiệu quả sản xuất thấp nên mía không được các địa phương nơi đây xem là cây trồng mũi nhọn. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng ngành mía đường năm 1999 đã khiến mía làm ra không có nơi tiêu thụ, giá rẻ mạt. Nhiều người vì thế đã chặt bỏ mía để lấy đất sản xuất các loại cây trồng khác. Diện tích mía toàn vùng Đông Gia Lai thời điểm ấy chỉ còn 2.380 ha.

 

Đưa cơ giới vào sản xuất mía. Ảnh: H.T
Đưa cơ giới vào sản xuất mía. Ảnh: H.T

Để tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có và giải quyết khó khăn cho người trồng mía trong khu vực, ngày 22-10-2000, Nhà máy Đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) được thành lập trên diện tích 17 ha tại thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê. Qua 9 tháng thi công, ngày 29-11-2001, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động với công suất 2.000 tấn mía/ngày. Theo ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, những ngày đầu hoạt động, Nhà máy gặp không ít khó khăn. Sau cuộc khủng hoảng mía đường, nhiều ruộng mía bị bỏ hoang, nông dân thờ ơ với cây mía; diện tích còn lại năng suất và chất lượng rất thấp (khoảng 40-50 tấn/ha), không thể đảm bảo công suất thiết kế ban đầu của Nhà máy. Mặt khác, giá đường trong nước và thế giới lúc bấy giờ đứng ở mức thấp nhất trong lịch sử, dẫn đến đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động của Nhà máy khá chật vật, cơ ngơi sinh hoạt tạm bợ…

Trước thực tế đó, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của bà con nông dân, Nhà máy Đường An Khê đã áp dụng nhiều biện pháp, chính sách về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía cũng như thu mua mía. Nhờ vậy, diện tích, sản lượng mía ngày càng ổn định và không ngừng tăng. Công suất của Nhà máy cũng được mở rộng lên 4.000 tấn mía/ngày (năm 2006), 7.500 tấn mía/ngày (năm 2011) rồi 12.000 tấn mía/ngày (năm 2013) và vụ ép 2016-2017 sắp đến là 18.000 tấn mía/ngày. Từ diện tích gần 4.000 ha, sản lượng thu mua và ép đạt 79.000 tấn, sản xuất được 7.500 tấn đường ở vụ ép đầu tiên, đến nay, sản lượng mía thu mua và ép đã đạt trên 1,2 triệu tấn với gần 120.000 tấn đường thành phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Hòe-Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, nhận định: Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, song đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Nhà máy đã trở thành người bạn gắn bó với nông dân vùng mía Đông Gia Lai. Người trồng mía giờ đây đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết tổ chức sản xuất nguyên liệu mía hàng hóa; xóa dần tập quán canh tác cũ, lạc hậu; đã xây dựng được những vùng mía chuyên canh có năng suất, chất lượng cao trên một đơn vị diện tích; thu nhập không ngừng tăng lên, nhiều nếp nhà khang trang, đời sống vật chất lẫn tinh thần được cải thiện rõ rệt. Cây mía đã thực sự là cây hàng hóa và làm giàu cho nông dân trong thời gian qua.

Công tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía được Nhà máy chú trọng triển khai rộng khắp các xã vùng mía, nhất là những xã có vùng nguyên liệu lớn, diện tích đất trống tập trung. Tùy tình hình thực tế hàng năm, Nhà máy có các chính sách và phương thức đầu tư phù hợp. Hiện nay, tổng diện tích mía trên toàn vùng nguyên liệu của Nhà máy đã đạt khoảng 28.000 ha; năng suất bình quân toàn vùng đạt 70 tấn/ha.

Để đủ sức cạnh tranh với khu vực trong lĩnh vực mía đường, những niên vụ qua, Nhà máy đã tiến hành đầu tư theo chiều sâu, thâm canh tăng năng suất, trong đó chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía. Tổng diện tích mía áp dụng cơ giới hóa đã đạt gần 12.000 ha trên toàn vùng nguyên liệu. Song song với đó, Nhà máy tích cực triển khai xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía với gần 2.000 ha. Năng suất mía bình quân trên diện tích áp dụng theo mô hình này đạt trên 110 tấn/ha. So với diện tích mía sản xuất đại trà, năng suất cao hơn 40% và chi phí sản xuất giảm hơn 30%. Chính điều này đã tạo cho người trồng mía vùng nguyên liệu sự phấn khởi, đồng thời củng cố thêm lòng tin để họ tiếp tục nhân rộng mô hình. Đây được coi là bước đột phá để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất mía và tăng thu nhập cho người nông dân.

Cùng với việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, khảo nghiệm để tìm ra những giống mía phù hợp với vùng nguyên liệu. Đến nay, các giống mía mới được áp dụng thay thế đều cơ bản thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực và cho năng suất cao. Việc cải tạo đất và xây dựng công thức bón phân thích hợp cũng được Nhà máy chú trọng thực hiện. Ngoài ra, Nhà máy còn tổ chức ký hợp đồng mua mía tại bàn cân và thanh toán cước vận chuyển theo cự ly thuộc từng vùng, khu vực. Do đó, nhiều hộ dân có diện tích và sản lượng mía lớn đã mạnh dạn đầu tư vốn mua xe vận chuyển mía. Nhà máy cũng đã tận dụng triệt để phương tiện sẵn có tại địa phương, tạo ra mối quan hệ kinh tế cộng đồng giữa những người trồng mía và bán mía với Nhà máy. Việc thu mua mía được thực hiện đúng thời vụ và thu mua hết lượng mía trên đồng. Hơn nữa, vừa qua, Nhà máy đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho người trồng mía giai đoạn cuối vụ ép nhằm chia sẻ lợi nhuận, khó khăn và giúp nông dân an tâm thu hoạch mía như: tăng giá thu mua mía, hỗ trợ công thu hoạch và phương tiện vận chuyển cho những hộ gặp khó khăn.

Đồng hành cùng địa phương

 

Cuối năm 2016, công suất của Nhà máy được mở rộng lên 18.000 tấn mía/ngày (Ảnh do đơn vị cung cấp).
Cuối năm 2016, công suất của Nhà máy được mở rộng lên 18.000 tấn mía/ngày (Ảnh do đơn vị cung cấp).

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng và phát triển doanh nghiệp, Nhà máy Đường An Khê cũng thực hiện tốt nghĩa vụ với địa phương và tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội. Ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay: Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 450 tỷ đồng; giải quyết việc làm trực tiếp lẫn gián tiếp cho hàng trăm lao động tại chỗ và hàng ngàn hộ trồng mía trên toàn vùng (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số). Hàng năm, tùy theo nhu cầu sản xuất, Nhà máy tuyển thêm 350-370 công nhân hợp đồng thời vụ, làm việc từ 5 đến 6 tháng với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Song song với đó, Nhà máy còn tích cực đồng hành với các địa phương vùng mía trong xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn ở các huyện, thị vùng Đông Gia Lai. Cụ thể: trang bị trên 150 máy cày công suất lớn và hàng trăm thiết bị canh tác cơ giới hóa nông nghiệp tiên tiến với tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng; vận động người trồng mía áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiết kiệm công lao động, giảm giá thành sản xuất, tạo ra thu nhập tăng thêm cho nông dân trồng mía thuộc 4 huyện, thị xã ước tính 200 tỷ đồng/năm; phối hợp với chính quyền tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm kết hợp tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật chuyên đề thâm canh cây mía để nông dân nắm bắt; vận động nông dân “dồn điền-đổi thửa” thực hiện sản xuất mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tăng năng suất, lợi nhuận và giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ xanh-sạch-bền vững. Cuối năm 2016, dây chuyền sản xuất với công suất 18.000 tấn mía/ngày và Nhà máy Điện sinh khối An Khê cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động; tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này là 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà máy còn bỏ ra hơn 25 tỷ đồng phối hợp với các địa phương xây dựng, sửa chữa những tuyến đường giao thông nội đồng, nối Nhà máy với khu sản xuất, các tuyến đường liên thôn, liên xã…

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, những năm qua, Nhà máy đã đóng góp và ủng hộ các quỹ như: vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tình thương, khuyến học…; ủng hộ nạn nhân bị thiên tai, chất độc da cam; xây dựng 14 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn ở huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê với tổng trị giá 350 triệu đồng; xây nhà cho người nghèo 50 triệu đồng; góp 20 triệu đồng xây dựng sân chơi cho Trường Mẫu giáo xã Thành An (thị xã An Khê); tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, hộ nghèo ở 4 địa phương nhân các ngày lễ, Tết; phụng dưỡng 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng; phụ trách 2 làng Nhoi và Hòa Bình (xã Tú An, thị xã An Khê)… Tổng số tiền đóng góp trên 1,5 tỷ đồng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm