Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

2 cuốn sách, 1 hành trình của nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long là một trong những cây bút thành danh với các bài viết chân dung nhân vật, phê bình điện ảnh sâu sắc và đầy trách nhiệm. Từ sự nghiệp viết báo chuyên về điện ảnh, văn hóa, chị bước chân vào lĩnh vực phê bình điện ảnh, trở thành một trong những nhà phê bình điện ảnh chuyên nghiệp của TP.

Vừa qua, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đã giới thiệu đến bạn đọc cùng lúc 2 tác phẩm Những con người những năm tháng và Vầng sáng kiên trung .

 
 



Những con người những năm tháng

Trong phần lời nói đầu của tác phẩm Những con người những năm tháng, tác giả cho biết lý do thực hiện tác phẩm như là một bản tổng hợp hành trình đối thoại suốt 24 năm làm báo với những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Ở những cuộc đối thoại đó, bạn đọc có thể thấy những suy nghĩ, những trải lòng của các nhân vật về con đường họ đã, đang đi, với đủ những cung bậc của thất bại cũng như thành công. Có thể nói, với 57 nhân vật là những người nổi tiếng trong nước như Giáo sư - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Huy Cận, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, NSND Lâm Tới… đến cả những người bạn nước ngoài như nhà báo Ku Su Jeong (Hàn Quốc), nhà văn Bang Hyun Suk (Hàn Quốc), đạo diễn Volker Schloendorff (Đức)… mỗi con người, mỗi sự nghiệp đều hiện ra trước mắt bạn đọc với đầy đủ những cung bậc vui buồn. Ở đây, có thể nói, một mặt cuốn sách đã trở thành một tư liệu quý khi thông qua các nhân vật, các câu chuyện, giúp người đọc hiểu thêm nhiều vấn đề trong các lĩnh vực mà họ đóng vai trò quan trọng. Nguồn tư liệu này cực kỳ quý giá bởi nhiều người trong số đó nay đã không còn nữa. Một mặt khác, tác phẩm có thể xem là một tài liệu có giá trị cho những ai đang dấn thân trên con đường báo chí, hay quan tâm đến thể loại báo chí như phỏng vấn, khắc họa nhân vật. Bởi với mỗi bài viết trong sách, cũng đồng thời là một công trình đầy gian nan để có thể khiến nhân vật bộc lộ những chi tiết, những câu chuyện hay và hấp dẫn nhất. Như trường hợp phỏng vấn nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, vốn là một nhà báo xuất sắc, nên việc khai thác thông tin cực kỳ khó khăn, đòi hỏi tác giả phải nhiều lần đeo đẳng, cùng chia sẻ những buồn vui đời thường, sự chân tình của cuộc sống, để rồi những trao đổi không còn giới hạn trong công việc mà trở thành những lời tâm sự của bậc cha chú với con cháu trong nhà. Nhờ thế, tác giả mới được trao quyền tiết lộ cả những chi tiết riêng tư đời thường của những con người nổi tiếng như Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Diệp Minh Châu… để bạn đọc có thể biết thêm bên cạnh những dữ dội của lịch sử, sự nghiêm khắc trong công việc, còn có những khoảnh khắc đời thường. Như lời tỏ tình độc đáo của ông Trần Bạch Đằng với bà Nguyễn Thị Chơn giữa chiến khu rằng: “Anh em đồn nói tôi thương chị, mà chị cũng thương tôi, như vậy có không?”. Hay câu chuyện để tránh bị o ép, phu nhân Giáo sư Trần Văn Giàu phải trốn vào chùa… Những chi tiết như vậy ở những con người như vậy hầu như khó mà có thể tìm được ở đâu. Nó góp phần không nhỏ khắc họa đầy đủ nhất, chân thực nhất hình ảnh những cá nhân góp phần làm nên lịch sử dân tộc, từ đấu tranh cách mạng đến phát triển văn hóa nghệ thuật.

Có thể nói, trong Những con người những năm tháng, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đã làm xuất sắc 3 vai trò: một nhà báo khéo léo, một nhà phê bình sắc sảo và cuối cùng là một người phụ nữ sâu sắc khi thông qua những kỷ niệm của cá nhân để làm nổi bật mỗi nhân vật trong từng lĩnh vực mà họ đã thành công.

Vầng sáng kiên trung

Cuốn bút ký Vầng sáng kiên trung ra mắt lần đầu tiên năm 1997 với nhan đề Tiếng hát và bóng đêm. Cố nhà văn Anh Đức là người viết lời đề tựa cho tác phẩm. 20 năm sau, trong lần tái bản này, tác phẩm không chỉ thay đổi nhan đề mà còn tăng gấp đôi số trang, gấp nhiều lần số lượng thông tin.

Nếu thời Tiếng hát và bóng đêm, xuất phát từ lý do công việc của tác giả, khi đó là một biên kịch phim tài liệu gắn bó nhiều với vùng đất Đồng Tháp Mười, tác phẩm dành viết về những người mẹ, người chị kiên cường. 20 năm sau, tác giả của cuốn bút ký năm nào đã trở thành một nhà báo, đã đi rất nhiều vùng đất lịch sử như Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị, Côn Đảo, Trường Sa…, do đó bút ký bổ sung thêm những câu chuyện, những mảnh đời của những người con anh hùng của đất nước trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Cố nhà văn Anh Đức khi đó đã nhận xét: “Không thấy có bài ký nào, dòng viết nào xa rời các nỗi đau. Hầu như không có bài nào, dòng nào xa rời truyền thống cha anh trong những ngày gian khổ cứu nước…”. Tác phẩm hôm nay dù góc nhìn đã trưởng thành hơn, ngòi bút đã thâm trầm, sâu sắc hơn nhưng vẫn giữ được cái chất mà nhà văn Anh Đức từng nhận xét. Thậm chí, ngay cả ở những vùng đất xa xôi bên ngoài đất nước, tác giả vẫn giữ được cái nét riêng của một Vầng sáng kiên trung, như ở các bài viết: Gặp Nguyễn Trãi ở Quebec; Mùa xuân Montreal và chút nắng vàng quê hương; Giữa Paris đi tìm dấu chân của Bác… Tất cả đều mang nặng nỗi lòng của tác giả với tình yêu quê hương đất nước, với tấm lòng kiên trung của mỗi người con đất Việt.

Xuân Thân (sggp)

Có thể bạn quan tâm