Ngày 7-2, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa-Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ thông tin, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bé N.T.T.V. (gần 6 tuổi) và bé N.L.M.Đ. (4 tuổi) do Trung tâm Y tế huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) chuyển đến vì ngộ độc thuốc diệt chuột giờ thứ 8 sau khi rửa dạ dày, truyền dịch. 2 cháu sau đó tiếp tục được các bác sĩ nuôi ăn tĩnh mạch, cho uống than hoạt tính để đào thải độc chất.
Ảnh minh họa |
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng 2 bé đã ổn định, ăn qua đường miệng, sinh hiệu ổn và xuất viện về ăn Tết. Các cháu cho biết thường được mẹ cho uống ống can xi nên thấy ống thuốc thì lấy uống.
Việc người lớn bất cẩn để thuốc và hóa chất ở nơi không an toàn, khiến trẻ ăn, uống nhầm. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc, nhất là trẻ 1-5 tuổi, bởi các cháu chưa phân biệt các loại hóa chất độc hại.
Do đó, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo nên để thuốc cũng như hóa chất xa tầm với của trẻ hoặc cất ở những nơi kín đáo, trẻ ít có cơ hội tiếp xúc. Khi phát hiện, nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, cần nhanh đưa tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Khi đi, phụ huynh nên cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc, giúp bác sĩ nhanh chóng tìm được nguyên nhân để xử lý thuốc đối kháng độc chất.
Nếu bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa, kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi nếu trẻ còn tỉnh táo. Trường hợp trẻ bị bất tỉnh, cho nằm nghiêng bên trái. Điều này giúp trẻ đỡ bị sặc, đồng thời khi trẻ nôn ói nhiều, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản rồi vào khí phế quản, vào phổi gây nguy hiểm. Tuyệt đối không gây nôn trong trường hợp trẻ hôn mê, co giật hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như a xít, xăng dầu...