Trong công việc, chỉ khi được làm công việc bạn yêu thích hoặc đúng chuyên môn, bạn mới thật sự phát triển được.
Tìm công việc mới không phải là điều dễ dàng, người lao động phải chật vật kiếm công việc phù hợp, gửi hồ sơ và chờ đợi để được gọi phỏng vấn. Rồi những buổi phỏng vấn căng não, 2 tháng thử việc đầy thách thức để được chính thức làm việc.
Nhưng sẽ ra sao nếu sau 2 tháng thử việc, bạn nhận ra công ty mới không hề tốt đẹp và những lời hứa hẹn khi phỏng vấn bỗng chốc "không cánh mà bay". Do đó, ngay từ thời điểm đầu tiên khi đi phỏng vấn, hãy cố gắng sàng lọc, tìm đến một công ty biết tạo điều kiện phát triển cho người lao động (NLĐ), giúp giảm thiểu được rất nhiều thiệt thòi, xây dựng một tương lai tốt hơn và tìm cách tránh xa các công ty có môi trường yếu kém, làm thui chột tài năng. Dưới đây là 4 dấu hiệu giúp bạn nhận biết được đâu là công ty cần đề phòng.
Một công ty đề xuất bạn một vị trí không phù hợp với định hướng của bạn ban đầu, thì phải cân nhắc thật kĩ về vấn đề này |
Đầu tiên là yêu cầu NLĐ phải "đa zi năng". Đặc điểm chung của những công ty thường là đòi hỏi rất nhiều ở NLĐ. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nhân viên phải chấp nhận ôm đồm nhiều công việc khác kể cả dọn dẹp, bưng bê… Bạn cũng cần đề phòng những nơi vẽ ra viễn cảnh quá "màu hồng", không thực tế.
Điều thứ hai khá "nhạy cảm" là chia sẻ không tốt về nhân viên cũ của họ. Cấp trên hay chê trách và không bao giờ thừa nhận năng lực, đóng góp của nhân viên cũng là một trong những điều khiến hầu hết người đi làm chán nản và muốn nghỉ việc. Việc lắng nghe trong buổi phỏng vấn về cách người quản lý trực tiếp chia sẻ về đội ngũ nhân viên của họ sẽ giúp bạn nhìn thấy được phần nào đó cách làm việc của họ. Và hãy đề phòng nếu họ liên tục đưa ra lời chê trách hay phàn nàn về người nhân viên cũ từng đảm nhiệm vị trí bạn ứng tuyển.
Điều thứ ba là công ty không liên lạc qua e-mail mà chỉ bằng các ứng dụng khác. Các công ty đáng tin thường sử dụng hai hình thức để liên hệ với ứng viên là qua điện thoại và e-mail công ty. Còn với công ty không đáng tin, họ thường sử dụng những tài khoản mạng xã hội ảo để liên hệ như tài khoản Facebook hoặc Zalo, Viber...
Và cuối cùng, đề nghị một vị trí khác với vị trí bạn ứng tuyển. Trong công việc, chỉ khi được làm công việc bạn yêu thích hoặc đúng chuyên môn, bạn mới thật sự phát triển được. Vì thế, một công ty đề xuất bạn một vị trí không phù hợp với định hướng của bạn ban đầu, hãy cân nhắc thật kĩ về vấn đề này.
Theo Giang Nam (NLĐO)