Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đề nghị các địa phương cần chủ động, linh hoạt điều chỉnh và tinh giản chương trình phù hợp với tình hình học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của lũ lụt.
Chủ động tinh giản chương trình
Thời gian qua, nhiều địa phương ở miền Trung đã cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 5 (tháng 9), số 6 (đầu tháng 10)… Tính từ đầu năm học đến nay, nhiều vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ đã cho học sinh nghỉ học từ vài ngày cho đến hơn 1 tuần.
Hình ảnh trường học sau khi lũ rút tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: LPL) |
Bão lũ không những ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở vật chất nhà trường như phòng học, trang thiết bị, sách vở, đồ dùng học sinh mà còn gây ảnh hưởng tới kế hoạch học tập chung. Hơn nữa, với tình hình mưa và ngập lụt kéo dài như hiện nay, nhiều người lo lắng tình trạng học sinh nghỉ học ở một số nơi sẽ tiếp tục kéo dài.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, trong kế hoạch năm học có khoảng thời gian dự phòng dành cho trường hợp thiên tai, bão lũ bất thường, do đó, các trường học cần chủ động, linh hoạt trong việc tinh giản chương trình; điều chỉnh các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ phù hợp với đặc điểm từng trường; đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản; tuyệt đối không gây quá tải chương trình cho học sinh khi quay trở lại trường học tập.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. |
Với các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, thời gian "hồi phục" cơ sở vật chất dài, học sinh phải nghỉ học phòng tránh bão lũ lâu, nhà trường có thể căn cứ vào văn bản Hướng dẫn tinh giản chương trình Bộ GDĐT đã ban hành để điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình giáo dục cho học sinh.
"Vận dụng kinh nghiệm thực tiễn từ dạy học trực tuyến cùng Điều 19 về Hoạt động giáo dục trong Thông tư 32 của Bộ GDĐT, các trường có thể điều chỉnh linh hoạt.
Cụ thể, thời gian đến trường của học sinh có thể ít hơn; những bài học ngoài khuôn viên nhà trường có thể hướng dẫn học sinh thông qua truyền hình, Internet. Như vậy, kế hoạch chương trình và kiến thức của học sinh vẫn được đảm bảo" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh.
Nhiều nơi thiếu thiết bị, sách vở trầm trọng
Từng có chuyến thực tế đi thăm, động viên học sinh, giáo viên ở những tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung, thì ngành giáo dục chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Nhiều trường học ngập sâu. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, mất mát và hư hỏng nặng. Sau bão, hầu hết các em học sinh ở vùng lũ đều bị thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Phải cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những thiệt hại này. Nhưng ngay đây, học sinh cần sách vở để đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học”.
Trước mắt, Bộ GDĐT huy động các nguồn ủng hộ tập trung cho việc tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường. Tới đây, lãnh đạo Bộ GDĐT sẽ tiếp tục về thăm, động viên học sinh, giáo viên và những gia đình có học sinh, giáo viên bị nạn, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Theo tổng hợp của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT), các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi, trong đó Quảng Bình thiệt hại nặng nề nhất. Theo đó, bão lũ từ ngày 6 đến 29.10 đã làm các trường học miền Trung thiệt hại hơn 600 tỉ đồng, 13 học sinh, cán bộ quản lý thiệt mạng. 100% học sinh của Quảng Bình phải nghỉ học; 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập; tổng thiệt hại ban đầu 382 tỉ đồng. Quảng Trị bị ảnh hưởng lớn thứ hai, ước tính khoảng 80 tỉ đồng. Đây là địa phương có nhiều học sinh thiệt mạng nhất: một em bị đuối nước, ba em bị vùi lấp cùng một cán bộ quản lý. Hai tỉnh khác cũng có học sinh bị đuối nước là Quảng Bình (3 em), Quảng Nam (3 em), Hà Tĩnh (2 em). Quảng Bình với 334 trường bị ảnh hưởng, Hà Tĩnh cũng có tới 150 trường bị ngập, trong đó 69 trường ngập sâu; Quảng Trị có 200 trường với hơn 300 điểm trường ngập. Theo tình hình hiện tại, hầu hết học sinh các tỉnh trên bị thiếu sách vở và đồ dùng học tập. |
Theo Thiều Trang - Đặng Chung (LĐO)