Sức khỏe

40 y bác sĩ cứu sống sản phụ nguy kịch từ Campuchia chuyển qua Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau sinh, sản phụ người Campuchia chảy máu ồ ạt. Dù đã được xử lý nhưng tình trạng ngày càng nặng nên được chuyển đến Việt Nam cấp cứu.

Ngày 11-1, Bệnh viện Pháp – Việt (FV) TP HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu sống bệnh nhân Chhun Setina (36 tuổi, quốc tịch Campuchia) bị rối loạn đông máu hiếm gặp khiến chị chảy máu không ngừng sau sinh.

Các bác sĩ hội chẩn liên tục để tìm nguyên nhân chảy máu của sản phụ

Các bác sĩ hội chẩn liên tục để tìm nguyên nhân chảy máu của sản phụ

Theo đó, chị Setina sinh con lần 3 tại một bệnh viện ở Campuchia. Tuy nhiên, sau sinh, chị sốt và chảy máu không ngừng. Nghi ngờ chị bị băng huyết, các bác sĩ đã mổ 2 lần nhưng tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn. Do đó, bệnh viện này đã liên lạc với một số bệnh viện tại Việt Nam và được văn phòng đại diện Bệnh viện FV tại Phnom Penh tiếp nhận.

Bệnh nhân được chuyển cấp cứu từ Campuchia đến Bệnh viện FV (TP HCM) điều trị. Kết quả phim chụp cho thấy ổ bụng bệnh nhân có 2 miếng gạc lớn nên các bác sĩ đã mổ lấy ra, ghi nhận hoang bụng có 2 lít máu. Sau đó, tiếp tục phát hiện sản phụ tổn thương động mạch thượng vị dưới bên trái chưa được xử lý tốt, nên tiến hành cầm máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, máu vẫn rỉ rả chảy tiếp.

Các bác sĩ đã hội chẩn liên chuyên khoa để tìm nguyên nhân máu chảy không ngừng. Sau đó, họ quyết định can thiệp mạch, nhằm làm tắc các nhánh tổn thương của động mạch thượng vị dưới ở vùng bụng bệnh nhân để ngăn chảy máu.

Tuy nhiên, 12 giờ sau, máu tiếp tục chảy. Bệnh nhân tiếp tục được truyền máu nhưng truyền vào bao nhiêu thì chảy ra bấy nhiêu. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn và nghi ngờ sản phụ bị Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu) gây chảy máu khó cầm nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.

Kết quả cho thấy sản phụ bị Hemophilia mắc phải (Acquired Homophilia). Bác sĩ Phạm Mạnh Tuấn, chuyên gia huyết học Bệnh viện FV, cho biết Hemophilia là bệnh có tính chất di truyền, gặp chủ yếu ở nam giới. Trong khi đó, Hemophilia mắc phải có tỉ lệ hiếm hơn, khoảng 1 ca/1000 dân mỗi năm và thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi có các bệnh nền như ung thư, mỡ máu... Tuy nhiên, trường hợp này là sản phụ trẻ tuổi nên tỉ lệ mắc phải càng hiếm.

"Ở sản phụ này, quá trình thai sản có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh Hemophilia mắc phải. Bên cạnh đó, thuốc điều trị rất đắt và hiếm, chỉ một số bệnh viện mới có thuốc dự phòng. May mắn, sau khi FV liên hệ với các bệnh viện trong TP đã tìm được 4 đơn vị để truyền cho sản phụ" - bác sĩ Tuấn nói.

Sau khi tiêm thuốc, hiện tượng chảy máu của bệnh nhân lập tức ngưng lại. Tuy nhiên, do mổ đi mổ lại nhiều lần nên bệnh nhân bị suy kiệt, sốc nhiễm trùng nặng và tổn thương các cơ quan nội tạng (viêm phổi, nấm đường tiết niệu, các cơn nhược giáp và những cơn hen), sốt kéo dài âm ỉ trong 3 tuần.

Bác sĩ thăm khám và thay băng cho sản phụ sau khi qua cơn nguy kịch
Bác sĩ thăm khám và thay băng cho sản phụ sau khi qua cơn nguy kịch

"Vì bị sốc nhiễm trùng nên bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng sinh liều cao, thuốc trợ tim, thuốc vận mạch để tăng huyết áp. Gần như khắp người bệnh nhân gắn đầy bơm tiêm để bơm thuốc vận mạch cùng các thuốc nâng đỡ cơ thể" - bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang, Khoa Gây mê hồi sức cho hay.

Sau 1 tháng, cùng hơn 40 y bác sĩ đã tham gia điều trị tích cực, sản phụ đã hồi phục, thoát "cửa tử" và được xuất viện. Biết tin mình khỏi bệnh và về nhà sớm, chị Setina nghẹn ngào nói "Tại Việt Nam, tôi như được sinh ra lần nữa".

Có thể bạn quan tâm