Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

56 tỉnh thành trong diện sáp nhập, dự kiến giảm 14 huyện và 619 xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dự kiến, giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. 

Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030.

Thông tin với báo chí trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.

Theo dự kiến, giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.

Giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (Ảnh minh họa).

Giai đoạn 2023-2025, cả nước có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp (Ảnh minh họa).

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị. Trong đó có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề; không thực hiện sắp xếp 515 đơn vị do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 109 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng các địa phương tự đề xuất sắp xếp lại…

Việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư và trụ sở, đất đai sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là mối quan tâm của nhiều địa phương trong quá trình thực hiện.

Theo phản ánh của một số tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau khi sắp xếp rất lớn. Trong khi đó việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh rất khó thực hiện, bởi đã sử dụng hết biên chế được giao.

Tại một số địa phương, có tình trạng 1 vị trí nhưng lại có 3-4 người đảm nhiệm; bên cạnh đó còn có tình trạng một số đơn vị cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích theo quy định, nhưng không thể sắp xếp với xã thứ ba, do nhiều yếu tố như quy hoạch, lịch sử văn hóa…

Trước thực trạng trên, một số địa phương đề nghị xem xét về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp.

Ngoài yếu tố con người, một số địa phương còn gặp khó khăn trong xử lý trụ sở, tài sản dôi dư; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp dự kiến sẽ khó khăn do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Có địa phương đề nghị xem xét, ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản nhà, đất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị hoặc cho phép các địa phương được thực hiện việc sắp xếp trước, sau đó mới thực hiện việc lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị.

Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Theo phương án tổng thể trình Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.

Có thể bạn quan tâm