Sức khỏe

60 gia đình có con diện mạo giống nhau: Nỗi lo từ việc 'xin - nhận' tinh trùng dễ dãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo các chuyên gia y tế, việc các cha mẹ hiếm muộn quá trông con có thể dẫn đến tình trạng dễ dãi trong khâu 'xin - nhận' tinh trùng, kéo theo nhiều hệ luỵ lâu dài cho đứa trẻ, trong đó có nỗi lo hôn nhân cận huyết.

Vừa qua, ở Úc xảy ra một tình huống hy hữu khi 60 trẻ em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã có cùng một người cha. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các cặp đôi hiếm muộn đã tìm đến người hiến tặng tinh trùng mà không thông qua các kênh chính thức, báo The Daily Mirror đưa tin.

Đây không phải lần đầu tiên thế giới ghi nhận trường hợp hy hữu như vậy. Vào năm 2018, Tổ chức Sinh sản và Phôi học con người Vương quốc Anh (HFEA) đã công bố một bảng thống kê gây sốc.

Vừa qua, ở Úc xảy ra một tình huống hy hữu khi 60 trẻ em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã có cùng một người cha. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Vừa qua, ở Úc xảy ra một tình huống hy hữu khi 60 trẻ em được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã có cùng một người cha. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tại quốc gia này vào thời điểm trên, có đến 17 "nhà tài trợ tinh trùng" đã hiến quá nhiều lần thông qua các kênh không chính thức và có trên 30 đứa con sinh học. Thống kê cũng đề cập đến việc 104 người đàn ông khác đã trở thành cha của khoảng 20-29 đứa trẻ, 1.557 người hiến tặng cũng có từ 10-19 con mà bản thân họ chưa bao giờ biết mặt, theo báo The Daily Telegraph.

Điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo khiến ngành y tế nước Anh phải đưa ra báo động về tình trạng hiến tặng tinh trùng không kiểm soát.

Tình huống tương tự cũng đã khuấy động truyền thông Hà Lan vào năm 2017. Theo đó, trong một cuộc điều tra do Bộ Y tế, Phúc lợi và Thể thao nước này thực hiện, phát hiện rằng một người đàn ông tên Jonathan Jacob Meijer đã có ít nhất 102 đứa con sinh học, thông qua nhiều lần tặng và bán tinh trùng ẩn danh tại các cơ sở y tế và cả qua các trang mạng xã hội như Facebook, báo The New York Times tường thuật.

Tờ báo này cũng đưa ra cảnh báo rằng nhu cầu xin tinh trùng qua các kênh chính thức thường vượt quá cung, nhất là trong và sau thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. Do đó, nhiều cha mẹ tương lai sẵn sàng tham gia vào các nhóm "xin - tặng" tinh trùng trên Facebook - hầu hết đều không được kiểm soát, với mong muốn nhanh chóng tìm người hiến tặng.

Việc tự ý mua - bán, xin - tặng tinh trùng thông qua các trang mạng xã hội là rất nguy hiểm, bởi không một ai có thể đảm bảo được rằng nguồn tinh đó có được tầm soát kỹ càng về các bệnh có thể di truyền cho trẻ nhỏ hay không.

Ngoài ra, còn phải kể đến nỗi lo hôn nhân cận huyết, khi những đứa trẻ có cùng một người cha sinh học lớn lên và vô tình kết đôi với nhau sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ sức khỏe cực kỳ nguy hiểm.

Tờ The Strait Times cũng từng dẫn thông tin từ các chuyên gia y tế cảnh báo về vấn đề này. Theo đó, có một tình trạng sinh học đáng quan ngại gọi là hiện tượng hấp dẫn tình dục gien di truyền (hay GSA), khi những người có họ hàng gần gũi, chẳng hạn như anh chị em ruột (cùng cha mẹ, hay chỉ cùng cha hoặc mẹ) trưởng thành sẽ dễ bị thu hút lẫn nhau ngay trong lần gặp đầu tiên và có khả năng cao đi tới kết đôi.

Nguy cơ này sẽ càng nghiêm trọng ở những nơi có mật độ dân số quá cao. Việc anh chị em cùng dòng máu hoặc chung nửa dòng máu kết đôi và nảy sinh quan hệ tình dục không chỉ là vấn đề vi phạm chuẩn mực xã hội, nó còn kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm do hôn nhân cận huyết, đơn cử như mù lòa, điếc, thiểu năng… ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ sau.

Có thể bạn quan tâm