Giáo dục

Tin tức

72 tuổi vẫn đi học đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cụ ông dù đã 72 tuổi vẫn quyết định đi học đại học (ĐH). Câu chuyện hy hữu này thật sự truyền cảm hứng cho nhiều người về tinh thần học tập suốt đời.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Ảnh: Hà Ánh
Ông Nguyễn Văn Tấn - Ảnh: Hà Ánh



Trong số 650 tân sinh viên vừa trúng tuyển chương trình cử nhân trực tuyến Trường ĐH Mở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tấn là gương mặt đặc biệt.

‘Không học, mình sẽ tụt hậu’

Ấn tượng này không chỉ bởi việc bắt đầu theo học ĐH khi đã 72 tuổi, mà phía sau ông còn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về sự học cho người trẻ.

Sinh viên Nguyễn Văn Tấn (72 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết đã hoàn tất chương trình tú tài 1 năm 1968 và tú tài 2 năm 1969. Sau thời điểm này, ông từng đi du học theo học bổng Liên Hiệp Quốc ngành kỹ sư kỹ nghệ đường mía năm 1970. Năm 1972 ông về nước và làm việc tại Tổng công ty Đường Việt Nam.

Về việc bắt đầu học văn bằng cử nhân luật này, ông nói: “Thực sự tôi muốn học từ lâu chứ không phải tới bây giờ. Tôi không thể ngồi yên được, điều này có thể sai với người khác nhưng đúng với tôi”.

Ông cho biết đã có nền tảng về lĩnh vực kỹ thuật, quản trị kinh doanh… nhưng những thứ còn thiếu là kiến thức luật học Việt Nam. “Tôi chọn luật vì luật học đang thiếu trong đầu tôi, tôi cần tút lại đầu mình cho đầy đủ. Mặc dù nay tôi đã 72 tuổi nhưng nếu không học mình sẽ tụt hậu”, tân sinh viên 72 tuổi bộc bạch.

Ông cho biết trước khi quyết định theo học tại đây, ông đã liên lạc với một số trường đăng ký học ngành luật nhưng bản thân lớn tuổi không để theo học các lớp ban đêm.

Tiếp tục chia sẻ về chuyện học luật, ông kể tiếp: “Bạn bè tôi luật sư cũng nhiều, tụi nó rất ngạc nhiên khi tôi nói đi học thêm ngành này vì lo ngại tôi không học nỗi. Nhưng tôi nói, người trẻ đầu óc minh mẫn hơn, tế bào còn nhiều, họ chạy 1 bước mình chạy 10 bước. Ngược lại tôi lại có kinh nghiệm hơn, mình chấp nhận xa về khoảng cách”.

Vì sao ông đi học ở tuổi 72?

Kể về thời tuổi trẻ, ông cho biết dù hằng ngày phải mưu sinh kiếm cơm nuôi gia đình nhưng vẫn phải vừa học, vừa làm. “Tôi nghèo rớt mồng tơi mà đi ra. Từ nhỏ làm đủ nghề, bán buôn, kể cả mót ve chai. Nhưng nhờ học giỏi mà được đi học không tốn tiền”, giọng kể của ông đầy xúc động.

Với ông, đi học ĐH và chọn ngành luật ở tuổi này, không chỉ cập nhật kiến thức mà còn vì ấp ủ những dự định nho nhỏ cho tương lai. Đi lên từ hoàn cảnh khó khăn, ông nhìn thấy người nghèo khổ là những người thiệt thòi nhất. Do vậy mà ông mong muốn: “Sau khi tôi hoàn thành việc học, có thể một vài người nghèo khổ nào đó không biết luật, tôi có thể tư vấn giúp đỡ họ miễn phí về những vấn đề liên quan. Mình không dám "đội đá vá trời", mình chỉ làm những chuyện nhỏ bằng sức mình”.

Còn về sự học, ông nói với một quyết tâm không ngừng nghỉ: “Nếu sức khỏe còn cho phép, tôi còn học cao hơn nữa, thạc sĩ chẳng hạn”.

Xin một lời nhắn nhủ với người trẻ nhưng ông nói: “Tôi không dám khuyên người trẻ, tôi chỉ nói lên suy nghĩ của mình. Cuộc đời dù có những lúc tột cùng thất vọng thì cũng đừng nản chí. Phải can đảm lên, chấp nhận sự thật và không chạy trốn. Khó khăn trước mặt là sự thật không thể khác được, nhưng có ý chí sẽ giải quyết được”.

“Việc học là suốt đời. Học không chỉ phát triển đầu óc mà còn để tiến thân”, ông khích lệ.


Dáng dấp một cụ ông lớn tuổi vui vẻ bên cạnh những bạn học trẻ tuổi trong ngày khai giảng, chừng đó cũng đủ toát lên tinh thần mà ông muốn nhắn nhủ…
 

Theo HÀ ÁNH (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm