Du lịch

8 bài học cho du lịch Việt Nam nhìn từ các nước phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, truyền thông trúng đích và mở cửa visa là những bài học mà du lịch Việt Nam có thể áp dụng ngay.

Phiên toàn thể của Diễn đàn Du lịch cấp cao Việt Nam 2018 thảo luận về các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững, tầm nhìn đến 2030. Các tham luận đến từ Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, Tổng cục Du lịch Singapore và Hội đồng Du lịch Nam Australia đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của các quốc gia hàng đầu thế giới.

Ông Chang Chee Pey, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) nhấn mạnh: "Mỗi quốc gia luôn có những đặc thù về thể chế chính trị cũng như nguồn lực riêng. Tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam có thể tham khảo từ những nước thành công và tìm ra con đường của riêng mình".

Dưới đây là những bài học kinh nghiệm được các chuyên gia đưa ra trong Diễn đàn Du lịch cấp cao 2018.

1. Đa dạng hoá thị trường

Ông Chang Chee Pey khẳng định, du lịch Singapore chỉ có xuất phát điểm khiêm tốn với 91.000 du khách vào năm 1964. Nhưng sau nhiều năm theo đuổi ba yếu tố: Đa dạng thị trường; Phát triển, quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng, ngành du lịch Singapore đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Đại diện STB nhấn mạnh về việc đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm và phục vụ du khách ở nhiều phân khúc khác nhau với những sản phẩm phù hợp. Để làm được điều đó, STB đã mở hai văn phòng đại diện nước ngoài đầu tiên ở Tokyo (Nhật Bản) và Sydney (Australia) từ những năm 1970. Đến nay họ đã có 21 văn phòng đại diện trên toàn cầu.

 

Ông Chang Chee Pey, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore
Ông Chang Chee Pey, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore



 Lấy ví dụ về sự quan trọng của các văn phòng du lịch đại diện, ông Chang Chee Pey nói: Năm 2004, Singapore chỉ có khoảng 40.000 du khách Việt Nam nhưng từ khi mở văn phòng đại diện đến nay, con số này đã tăng gấp 10 lần. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc về việc mở rộng mạng lưới văn phòng đại diện để định hình thị trường.

2. Tạo nền tảng tài chính ổn định cho tiếp thị

Ở Singapore, Tổng cục Du lịch là một cơ quan thuộc bộ Thương mại nhưng có quyền hoạt động động lập và chịu trách nhiệm về việc định hướng và phát triển ngành. Một trong những việc đầu tiên STB làm là tạo ra khung thuế du lịch dành cho các hệ thống khách sạn. Các đơn vị này muốn kinh doanh lưu trú thì phải đóng thuế. Từ đó Tổng cục Du lịch có một nguồn tài chính ổn định và dùng nó để tiếp thị để đưa khách về cho những đơn vị đã đóng thuế.

Trong khi ở Việt Nam, mỗi năm ngân sách chỉ có khoảng 2 triệu USD cho công tác truyền thông, một con số khiêm tốn so với Thái Lan, Singapore. Theo Công ty Tư vấn toàn cầu BCG, chi phí cho quảng bá ở Singapore năm 2016 là 83 triệu USD.

3. Tập trung vào tiếp thị điểm đến

Ông Brent Hill, Giám đốc Marketing Hội đồng Du lịch Nam Australia (SATC) cho rằng Việt Nam cần tập trung vào việc khẳng định hình ảnh của mình trên toàn cầu, xác định đâu là sản phẩm đặc thù muốn truyền tải, từ đó nâng cao sự hiện diện hữu hình với thế giới.

Bài học của Nam Australia là họ xác định đồ ăn ngon, thiên nhiên hoang dã, bờ biển đẹp là những sản phẩm du lịch đặc trưng. Sau đó họ hướng đến các nhóm khách phù hợp, làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn khi đi đến đây. Kết quả là sau 2,5 năm ngành du lịch tại bang Nam Australia đã tăng trưởng từ 5,3 tỷ USD thành 6,8 tỷ USD.


 

Ông Brent Hill, Giám đốc Marketing Hội đồng Nam Australia trình bày tham luận tại Diễn đàn Du lịch cấp cao 2018.
Ông Brent Hill, Giám đốc Marketing Hội đồng Nam Australia trình bày tham luận tại Diễn đàn Du lịch cấp cao 2018.



 Theo SATC, Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên hoang sơ, đồ ăn ngon, con người thân thiện, nhiều lễ hội địa phương đặc sắc. Đây chính là những xu hướng du lịch mới và khách hàng sẵn sàng bỏ tiền để có được trải nghiệm chân thật. Vấn đề đặt ra cho du lịch Việt Nam là phải tìm ra được những sản phẩm đặc trưng, chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam và quảng bá rộng rãi đến du khách khắp thế giới.

4. Truyền thông xã hội là bắt buộc

Giám đốc Maketing của SATC cho rằng truyền thông xã hội đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội và du lịch cũng không thể đi ngược xu hướng này. Ông Brent Hill khuyên Việt Nam tận dụng tối đa ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên mạng xã hội. "Các bạn nên lựa chọn những Đại sứ Du lịch để đầu tư lâu dài. Hãy tìm những người thật sự nổi tiếng, có khả năng kết nối đến thị trường các bạn mong muốn và đẩy mạnh truyền thông".

Dẫn chứng về hiệu quả của truyền thông xã hội và ảnh hưởng của Đại sứ Du lịch, ông Brent Hill chia sẻ: "Khi chúng tôi đến Hong Kong, Trung Quốc mọi người hầu như không biết gì về Nam Australia. Nhưng sau khi chúng tôi mời ngôi sao màn bạc Huỳnh Hiểu Minh là Đại sứ Du lịch thì đến nay, chúng tôi đã có 50 triệu du khách từ Trung Quốc. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về ảnh hưởng của những người nổi tiếng và cách chúng ta tiếp cận những thị trường tiềm năng.

5. Đưa nội dung số lên phục vụ du khách

Đồng quan điểm với Giám đốc Maketing của SATC, ông Chang Chee Pey cho rằng du khách ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân hoá nhiều hơn. Ngành du lịch cũng cần cập nhật liên tục để phục vụ khách du lịch ở mọi lúc mọi nơi. Từ việc tìm kiếm thông tin cho đến những chỉ dẫn tại điểm du lịch.

Thậm chí mỗi năm ngành du lịch của Nam Australia chi ra riêng 2 triệu USD chỉ để tiếp thị trên các công cụ tìm kiếm. "Bạn phải làm sao đưa được tất cả những gì du khách cần lên trên Internet và giao diện, nền tảng phải thân thiện nhất với du khách", ông Brent Hill nói.

Chia sẻ trải nghiệm của mình, ông Brent Hill cho biết khi tìm kiếm thông tin về Việt Nam, ông không biết chính xác những nội dung nào là uy tín hoặc chỉ dẫn cụ thể về nơi mình sắp đến thì chắc chắn sẽ phải cân nhắc, suy nghĩ lại về quyết định có đến Việt Nam không.

6. Cải thiện chính sách visa

Các diễn giả đều đồng ý rằng đã đến lúc Việt Nam cần cởi mở hơn về chính sách miễn visa. Những con số tăng trưởng ấn tượng của nhóm khách Tây Âu trong thời gian thí điểm miễn visa cho thấy ảnh hưởng tích cực từ thị trường này. Hiện Singapore miễn visa cho hơn 150 nước trên thế giới.

Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho biết nước Anh có chính sách chặt để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng miễn visa cho 83 nước và có thể gia hạn visa 6 tháng, 5 năm, 10 năm. Việt Nam có thể xem xét hướng này và đưa ra các hính sách visa cởi mở mà không ảnh hưởng tới an ninh.

Theo các diễn giả, Việt Nam chưa thể miễn visa cho tất cả nhưng có thể đơn giản hoá các thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xuất nhập cảnh để rút ngắn thời gian cho hành khách. Trong thời gian chờ những thay đổi mang tính vĩ mô, du lịch Việt Nam cũng có thể giải quyết ngay những vấn đề đơn giản nhưng vẫn đem lại những hiệu quả to lớn.

7. Cạnh tranh không phải cuộc chơi một mất một còn

Ông Chang Chee Pey, đại diện STB cho rằng mở cửa thị trường là xu hướng toàn cầu, thách thức của ngành du lịch là phải cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên việc cạnh tranh không nên là cuộc chơi một sống một còn.

Khi khách đến Singapore, Thái Lan thì không có nghĩa họ không đến Việt Nam nữa. Nếu chúng ta có những chính sách mở cửa về visa, đi lại thuận tiện, chi tiêu rẻ, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thì hoàn toàn có thể dùng các điểm đến lân cận làm bàn đạp để đưa du khách đến với Việt Nam.


 

Ngoài quảng bá, thu hút thêm du khách, du lịch Việt Nam cũng cần có quy hoạch lâu dài, vịnh Marina của Singapore là ví dụ điển hình.
Ngoài quảng bá, thu hút thêm du khách, du lịch Việt Nam cũng cần có quy hoạch lâu dài, vịnh Marina của Singapore là ví dụ điển hình.



 8. Du lịch phải phát triển bền vững

Các khách mời quốc tế trong Diễn đàn Du lịch Cấp cao 2018 đều có ấn tượng mạnh về tốc độ tăng trưởng gần 30% mỗi năm của du lịch Việt Nam. Nhưng tăng trưởng nóng là con dao hai lưỡi nếu Chính phủ không có những định hướng lâu dài. Du lịch có thể phá vỡ cảnh quan tự nhiên, quy hoạch không đồng bộ sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Ông Chang Chee Pey lấy ví dụ về việc xây dựng vịnh Marina, biểu tượng của du lịch Singapore: Từ thập kỷ 70, Chính phủ đã có tham vọng biến Marina thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực. Các dự án được đưa ra thành nhiều gian đoạn 30 - 40 - 50 năm và phải kiên trì với những chiến lược dài hơi.

Ngày nay khi Marina đã nổi tiếng khắp thế giới, chính phủ Singapore tiếp tục theo đuổi những tham vọng đã đặt ra chứ chưa có ý định dừng lại. Đây là một ví dụ rất điển hình để Việt Nam tham khảo về việc quy hoạch và phát triển du lịch bền vững.

Khương Nha (VNE)

Có thể bạn quan tâm